Biến đổi khí hậu

Bảo hiểm cho nông dân trước rủi ro khí hậu

Vy Huyền 30/05/2024 - 16:47

(TN&MT) - Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) vừa công bố Báo cáo nghiên cứu: "Nông nghiệp chống chịu thời tiết ở Đồng bằng sông Cửu Long". Theo đó, nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với thiệt hại thu nhập lên tới hơn 283 USD/ha do ảnh hưởng của thời tiết.

Báo cáo cho thấy nhu cầu cấp thiết về các giải pháp bảo hiểm mới nhằm bảo vệ thu nhập của nông dân trước nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra.

Rủi ro khí hậu đe dọa vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước

Để làm rõ những rủi ro của thời tiết tới nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, Công ty công nghệ bảo hiểm Hillridge (Úc) hợp tác với MSIG Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã triển khai một nghiên cứu trong lĩnh vực trồng lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Các chuyên gia đã khảo sát, phỏng vấn các nhà sản xuất, nhà chế biến nông sản và thủy sản cũng như các nhà phân phối, những người tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị. Ngoài ra, quá trình phỏng vấn cũng ưu tiên các hợp tác xã có mối liên kết và quan hệ đối tác với các bên liên quan, cơ quan quản lý, viện nghiên cứu và hiệp hội ngành hàng.

Đối với cây lúa, Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vùng sản xuất nông nghiệp có năng suất cao nhất cả nước. Lúa là cây trồng chính tại cả 13 tỉnh ở ĐBSCL, trong đó 4 tỉnh có diện tích và năng suất lúa gạo lớn nhất là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An.

anh-2.jpg
Cánh đồng lúa đổ rạp sau trận mưa lớn

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, một trong những rủi ro khí hậu nghiêm trọng nhất mà nông dân trồng lúa ở ĐBSCL phải đối mặt là lượng mưa lớn. Trong tháng đầu tiên gieo lúa, nông dân có thể phải trồng lại lúa do mưa nhiều. Nếu hiện tượng này xảy ra trong giai đoạn trổ bông và thu hoạch có thể làm giảm năng suất lúa. Ngoài ra, khi thu hoạch, chất lượng lúa có thể bị ảnh hưởng và tệ hơn là mất mùa. Giai đoạn thu hoạch của vụ hè thu thường rơi vào mùa mưa, với lượng mưa cao điểm dao động từ 10 - 50 mm/ngày, dẫn đến năng suất thu hoạch giảm đáng kể do lúa bị đổ sau các trận mưa lớn (năm 2021).

Đối với các vùng đủ nước tưới tiêu, khảo sát tại tỉnh An Giang cho thấy, hầu hết nông dân trồng lúa đều áp dụng mô hình 3 vụ lúa. Một số vùng áp dụng mô hình 2 vụ lúa, tránh mùa thu đông do trùng với mùa mưa, trong khi một số hộ muốn có khoảng thời gian giữa vụ hè thu và vụ đông xuân để cải tạo đất tốt hơn, từ đó nâng cao năng suất lúa ở vụ sau. Rủi ro thời tiết chính mà họ phải đối mặt là lượng mưa lớn, thường đạt đỉnh điểm vào tháng 5-7, có thể ảnh hưởng đến quá trình trổ bông và thu hoạch lúa (dẫn đến lúa đổ) trong vụ hè thu. Mưa vào thời điểm thu hoạch sẽ gây thiệt hại nặng nề nhất vì nông dân không còn thời gian phục hồi.

anh-6(1).jpg
Ruộng lúa ngập nước có thể mất trắng

Khảo sát cho thấy, thời tiết bất lợi khiến năng suất lúa giảm và tăng chi phí đầu vào, làm giảm lợi nhuận của vụ mùa. Mức thiệt hại lớn nhất có thể lên tới hơn 283 USD/ha. Phần lớn có tiền tiết kiệm để trang trải các chi phí đầu vào tăng thêm do ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt trong công tác chống sâu bệnh. Để giảm thiểu rủi ro, một số hộ trồng xen lúa với cá, chủ yếu để điều tiết nước và tăng nguồn thu ngoài lúa cho gia đình.

Với vùng ven biển, khảo sát tại tỉnh Kiên Giang cho thấy nông dân khu vực này đã đa dạng hóa mô hình trồng trọt, nổi bật là luân canh “1 tôm, 1 lúa” hoặc xen canh. Nông dân thường thả tôm từ 3 - 5 lần trong vụ từ tháng 1 đến đầu tháng 8 và trồng lúa từ tháng 8 đến tháng 1. Lúa trong mô hình luân canh có thể bị ảnh hưởng từ mưa, gió lớn vào tháng 10 – 11 (thời kỳ trổ bông), trong khi tôm nhạy cảm với nhiệt độ cao vào tháng 3, đặc biệt khi tôm lớn và có mật độ dày đặc. Nhiệt độ cao có thể làm tăng độ pH, khiến tôm phát triển chậm hơn, dễ mắc bệnh và có thể chết hàng loạt. Ở cả hai mô hình lúa 2 vụ và 3 vụ, lượng mưa lớn vào tháng 6 - 7 có thể ảnh hưởng đến thời kỳ thu hoạch vụ hè thu và thời kỳ trổ bông của vụ thu đông.

anh-1(3).jpg
Cây lúa ngã đổ gây khó khăn khi thu hoạch

Dựa trên kết quả khảo sát, lúa có thể được xem là cây trồng có rủi ro vừa phải khi xét trên tác động tới lợi nhuận. Trước những rủi ro về thời tiết này, khoảng 36% nông dân đã trồng xen canh để tận dụng điều kiện thời tiết phù hợp, số còn lại phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng do tăng cường chăm sóc cây trồng và chi phí đầu vào để phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng công nghệ, thoát nước... Chi phí đầu vào là cao nhất, chiếm tới 59% tổng chi phí sản xuất.

Bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ số

Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô nông nghiệp rộng lớn và dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan, nhưng tỷ lệ bảo hiểm lại thấp. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội lớn để tạo ra hoặc cải tiến các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với những rủi ro khí hậu cụ thể mà nông dân trong khu vực phải đối mặt. Vào năm 2011, Chính phủ đã khởi xướng Chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, chương trình dẫn đến tổn thất đáng kể cho các công ty bảo hiểm do tỷ lệ bồi thường cao.

Trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, Công ty công nghệ bảo hiểm Hillridge đã đề xuất sản phẩm bảo hiểm chỉ số. Theo đó, hệ thống bảo hiểm tự động chi trả khi các chỉ số về lượng mưa hay nhiệt độ vượt ngưỡng, mà không phải mất thời gian đánh giá thiệt hại. Cách thức này cho phép nông dân và người nuôi trồng thủy sản được đền bù để phục hồi sản xuất ngay sau thiên tai. Qua đó, giúp các nông hộ nhỏ dễ dàng tiếp cận bảo hiểm và có thêm nguồn lực để khắc phục hậu quả từ tác động của biến đổi khí hậu.

anh-4.jpg
Bảo hiểm chỉ số có thể tự động chi trả khi các chỉ số về lượng mưa hay nhiệt độ vượt ngưỡng, mà không phải mất thời gian đánh giá thiệt hại

Theo ông Dale Schilling, Giám đốc Hillridge chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ trong thiết kế sản phẩm bảo hiểm sẽ giúp trang bị cho nông dân những công cụ tài chính cần thiết, bảo vệ sinh kế của họ trước biến đổi khí hậu. Không chỉ cây lúa, khoảng 40% tổng giá trị sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long có thể áp dụng bảo hiểm chỉ số. Để tận dụng tiềm năng lớn này, các công ty bảo hiểm rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương, cũng như nâng cao nhận thức cho nông dân, giúp họ tin tưởng và áp dụng bảo hiểm chỉ số trong quy trình sản xuất.

Trong chuỗi giá trị lúa gạo, bảo hiểm chỉ số nên hướng đến các hợp tác xã kiểu mới, các công ty nông nghiệp quy mô lớn (nhà sản xuất), và các công ty kinh doanh nông sản (nhà phân phối). Trong các hợp tác xã kiểu mới, nông dân tập hợp lại để hình thành các khu vực sản xuất quy mô lớn. Điều này sẽ có lợi cho khả năng mở rộng và phổ biến các sản phẩm bảo hiểm chỉ số, thay vì phải tiếp cận những cá nhân riêng lẻ, những người gặp nhiều rào cản hơn trong việc áp dụng công nghệ mới và tiếp cận các nguồn lực. Một số công ty kinh doanh nông sản cũng hoạt động như các công ty nông nghiệp quy mô lớn. Điều này có thể tăng cường mức độ tập trung của bảo hiểm chỉ số do nhu cầu cấp thiết đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Vy Huyền