Xã hội

Huyện Bình Chánh ( TP.HCM): Hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững

Nguyễn Thanh 30/05/2024 - 15:11

Trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện nông thôn mới Bình Chánh luôn ưu tiên chính sách hỗ trợ phương tiện sinh kế để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện làm việc, buôn bán, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

binh-chanh-trao-sinh-ke.jpg
Trao phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Long Hưng

Trao sinh kế bền vững cho hộ nghèo

Triển khai liên tục từ năm 2016, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh chủ trì thực hiện chương trình “Sinh kế trao tay – Tương lai bền vững”, giúp hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện có phương tiện để sản xuất, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo và có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Nhiều năm qua, gia đình chị Phạm Thị Lan ( xã Tân Xuân) luôn trong tình cảnh thiếu trước hụt sau, cuộc sống khó khăn vì 2 vợ chồng không có việc làm ổn định, ai mướn gì làm đó, trong khi 2 đứa con đang độ tuổi ăn học. Năm 2019, thông qua vận đồng tài trợ từ các doanh nghiệp, Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện đã trao tặng gia đình chị một chiếc máy may. Khi có máy may, chị đã nhận may gia công cho các cơ sở trên địa bàn; đồng thời nhận sửa chữa quần áo cho bà con xung quanh. Nhờ vậy, gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình và từng bước có tích lũy. “Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhà tài trợ, nhờ chiếc máy may mà gia đình tôi đã có cuộc sống ấm no hơn” – chị Lan nói.

Ông Huỳnh Văn Phạm Hồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh cho biết: Triển khai chương trình “Sinh kế trao tay - Tương lai bền vững”, đến nay đã vận động hỗ trợ 403 phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để giúp 338 hộ thoát nghèo. Các phương tiện sinh kế được trao như: máy khâu, máy vắt chỉ, máy bán nước mía,

Cũng theo ông Huỳnh Văn Phạm Hồng, việc trao tặng sinh kế được thực hiện bài bản, từ khâu xây dựng kế hoạch đến khảo sát, lựa chọn đảm bảo đúng đối tượng và được giảm sát trong quá trình sử dụng. Kết quả, tỷ lệ hộ dân sử dụng hiệu quả đạt 83,87%.

Ngoài ra, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của huyện Bình Chánh còn tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đơn cử như, Hội liên hiệp phụ nữ huyện đã triển khai nhiều phong trào như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Người khá giúp người khó”…đã tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ tạo lập nguồn vốn của chính gia đình để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tổ chức chương trình “Doanh nghiệp đồng hành cùng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn”…

Ngoài ra, trong những năm qua, huyện Bình Chánh còn triển khai chính sách cho vay ưu đãi dành cho các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, huyện đã hỗ trợ 1.201 hộ nghèo, cận nghèo vay với số tiền hơn 61 tỷ đồng.

phong-phu-trao-sinh-ke.jpg
Trao phương tiện sinh kế cho hộ cận nghèo xã Phong Phú

Theo thống kê, giai đoạn 2021-2025, toàn huyện Bình Chánh còn 1.871 hộ nghèo, 1.198 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ lần lượt 0,9% và 0,58% so với tổng số dân toàn huyện. Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại ở phía sau”, chỉ trong năm 2022, huyện Bình Chánh giảm được 1.255 hộ nghèo, đạt 236,79% (vượt 136,79%) kế hoạch, giảm 772 hộ cận nghèo, đạt 205,87% kế hoạch. Đến cuối năm 2023, Bình Chánh không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới; đời sống, thu nhập của của những hộ nghèo, cận nghèo ngày càng được nâng lên.

trong-cay-xa-phong-phu-binh-chanh.jpg
Cán bộ, nhân dân xã Phong Phú tham gia trồng cây xanh

Duy trì tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Song song với công tác giảm nghèo bền vững, huyện Bình Chánh còn luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc đảm bảo các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Năm 2022, huyện Bình Chánh đã được công nhận là huyện nông thôn mới, kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, huyện luôn chú trọng đến việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường của một huyện nông thôn mới.

Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, để duy trì tiêu chí môi trường nông thôn mới, huyện đã vận động 100% hộ dân trên địa bàn thực hiện bản cam kết về giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch; 100% ý kiến phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị được tiếp nhận và xử lý kịp thời. Bình Chánh cũng đang phấn đấu 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách…sử dụng bao bì thân thiện môi trường, thay thế túi nylon khó phân hủy.

Bên cạnh đó, huyện Bình Chánh đã tổ chức hiệu quả Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM phát động. Qua đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn mới ngày càng xanh –sạch – đẹp.

Cùng với đó, các xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, như: Phong trào “Mỗi tuần dành 15 phút dọn vệ sinh nhà cửa, sân vườn và đoạn đường trước nhà tại hộ gia đình”; mỗi xã hoàn thành xây dựng thí điểm “Một khu dân cư có cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”; tiếp tục thực hiện hoàn thành đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện…

Năm 2023, 4 khu phố và 26 ấp của 7 xã, 1 thị trấn của huyện Bình Chánh đã đạt danh hiệu “Khu phố - ấp sạch không xả rác ra đường và kênh rạch”; 5 công trình đạt danh hiệu “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh”…

Nguyễn Thanh