Trong nước

Quốc hội thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025

Thanh Tùng - Khương Trung 30/05/2024 - 15:10

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Đề xuất 2 chuyên đề giám sát

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2025 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 như trong dự thảo Nghị quyết đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

1(4).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, sau khi cân nhắc nhiều mặt và theo thông lệ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch; đồng thời, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

2(1).jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, bám sát thực tiễn đời sống để đề xuất giám sát những vấn đề cấp bách nổi lên; đồng thời, tiếp tục rút kinh nghiệm, có các giải pháp cải tiến, đổi mới để phát huy tối đa vai trò hoạt động giám sát của Quốc hội.

Chuyên đề giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, xác định đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ hoạt động giám sát, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Đối với chương trình giám sát năm 2025, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc trình ra Quốc hội 2 chuyên đề để xem xét, quyết định lựa chọn; cho rằng, đây đều là những vấn đề rất quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm.

3.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Hải Dương phát biểu tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Hải Dương bày tỏ nhất trí với các nội dung trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với 2 chuyên đề giám sát dự kiến được đưa ra trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn một chuyên đề để giám sát tối cao, đại biểu thấy đều là những vấn đề rất trọng tâm, trọng điểm.

Tuy nhiên, nếu chọn 1 trong 2 chuyên đề để giám sát tối cao, đại biểu chọn chuyên đề 1 "Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành", bởi ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng và được đông đảo cử tri hết sức quan tâm, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước nói riêng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới, đặc biệt là trong các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường trong các phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, trên thực tế, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đang có nhiều khó khăn, nhất là sắp tới vào 1/1/2025 là thời hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác thải tại nguồn theo quy định, chúng ta chỉ còn hơn nửa năm nữa. Thời điểm chính thức áp dụng vào việc xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải bắt đầu từ ngày 1/1/2025, tuy nhiên hiện tại nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, tập kết rác đã phân loại như thế nào và ngay cả các địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị.

“Nhiều vướng mắc và nhiều vấn đề nan giải đang được đặt ra, như thiếu thiết bị thu gom, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đạt chuẩn, thiếu địa điểm tập kết và hiện nay vẫn còn thiếu các quy định về định mức, đơn giá thu gom và xử lý rác thải”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

Tuy đã có 2 năm chuẩn bị kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, nhưng theo đại biểu Nga, đến nay công tác chuẩn bị của chúng ta chưa được kỹ. Thực trạng này rất cần được giám sát tối cao để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Chính bởi vậy, nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025 là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng.

6.jpg
Đại biểu Lê Thanh Hoàn – Đoàn Thanh Hóa

Có ý kiến tương đồng với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Lê Thanh Hoàn – Đoàn Thanh Hóa cho biết, năm 2020, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, riêng về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1/2/2021, có những nội dung vẫn đang được triển khai để có thể áp dụng được chậm nhất vào ngày 31/12/2024, như việc phân loại, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình và cá nhân.

Nhiều nội dung khác thì được thực hiện theo lộ trình, như trách nhiệm tái chế các sản phẩm do các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lộ trình chuyển đổi, loại bỏ các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường vào thời điểm này sẽ thể hiện sự đồng hành với Chính phủ trong việc tổ chức thực thi pháp luật, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, của mỗi người dân về bảo vệ môi.

Khi giám sát chuyên đề này, đại biểu đề nghị cần làm rõ về nội dung xử lý rác thải. Cụ thể là những thách thức, khó khăn trong việc triển khai phân loại rác thải rắn sinh hoạt và những giải pháp khắc phục; việc tổ chức thực hiện trên thực tế những ưu đãi, cơ chế đặc thù cũng như khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng nhà máy điện rác trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cần đánh giá toàn diện về thị trường tái chế rác thải, cả chính thức và phi chính thức. Sự tham gia trực tiếp tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm tái chế hay là chủ yếu chỉ đóng góp vào Quỹ bảo vệ môi trường cũng như sự hỗ trợ thực tế từ Quỹ bảo vệ môi trường đối với hoạt động tái chế rác thải.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc lựa chọn 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao, Thường vụ Quốc hội đã phát phiếu, đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng và sáng suốt lựa chọn bằng phiếu xin ý kiến. Cả 2 nội dung này đều rất quan trọng và nó đều là những vấn đề nóng, những vấn đề cử tri và người dân rất quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở thảo luận hôm nay, kết quả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua về Nghị quyết Chương trình giám sát 2025 và Nghị quyết về thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội trong kỳ họp.

Thanh Tùng - Khương Trung