Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện toàn quốc vượt 1 tỷ kWh/ngày
(TN&MT) - Lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh vào ngày 28/5.
Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc ngày 28/5/2024 đã đạt đỉnh kỷ lục mới là 1,0019 tỷ kWh. Nguyên nhân chính là trong những ngày cuối tháng 5, thời tiết nắng nóng gay gắt, oi bức tái diễn ở nhiều khu vực của cả 3 miền.
Cũng trong ngày 28/5, công suất lớn nhất trong ngày đã đạt mốc 45.450 MW vào lúc 14 giờ (chưa vượt qua đỉnh của cuối tháng 4 là 47.670 MW, cũng là đỉnh lịch sử đến hiện tại).
Cơ cấu sản lượng huy động nguồn điện của ngày 28/5 vẫn ghi nhận nhiệt điện than đóng vai trò chính với 548,8 triệu kWh; thủy điện đóng góp 228,2 triệu kWh; tuabin khí (Gas + Dầu DO) là 90,4 triệu kWh; Điện gió đóng góp 36,5 triệu kWh; điện mặt trời đóng góp 62,4 triệu kWh; nhập khẩu điện được 19,7 triệu kWh và các loại khác như điện sinh khối, diesel đóng góp 3 triệu kWh…
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khu vực miền Bắc những ngày gần đây mặc dù thời tiết khá nắng nóng, oi bức nhưng vẫn chưa phải đợt nóng đỉnh điểm. Tiêu thụ điện miền Bắc những ngày qua cũng đã tăng cao cả về công suất và sản lượng nhưng đều chưa vượt qua đỉnh cũ. Do vậy, dự báo tiêu thụ điện ở miền Bắc vẫn còn tiếp tục tăng lên, gia tăng áp lực về cung cấp điện trong những đợt nóng cao điểm có thể diễn ra thời gian tới.
Về diễn biến nắng nóng trong những tháng hè, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định: Nắng nóng tại Bắc Bộ sẽ tiếp tục xuất hiện, tập trung vào thời kỳ từ nay cho tới tháng 7, ở Trung Bộ là tới tháng 8. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 6 – 9, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình phổ biến sẽ cao hơn từ 0,5 – 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
EVN khuyến cáo người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h00 đến 15h00) và tối (từ 19h00 đến 23h00). Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26-27 độ trở lên; đồng thời chú ý không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm. Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm điện cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.