Doanh nghiệp - doanh nhân

Thái Nguyên: Nỗ lực đảm bảo “phủ sóng” nước sạch cho người dân nông thôn

Tiến Trung 29/05/2024 - 15:02

Để nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, Trạm Dịch vụ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đã và đang không ngừng đẩy mạnh công tác quản lý, vận hành áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong công tác khai thác, sản xuất và quản lý nước sạch.

Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, địa phương sẽ tăng cường huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước sạch nông thôn theo hướng đầu tư gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu.

Là địa phương có địa hình và phân bổ dân cư đa dạng, nên việc đầu tư và vận hành các công trình nước sinh hoạt ở các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn, mặt khác trong điều kiện biến đổi của khí hậu hiện nay, việc duy trì, vận hành hiệu quả và hợp lý hệ thống công trình dân sinh cũng không dễ dàng.

z5469211703992_022c8f7845a1c9179a3e10bee742f0b0.jpg
Công nhân vận hành hệ thống điều khiển bơm cấp nước công trình cấp nước sinh hoạt xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ

Tuy nhiên, nhờ sự đồng thuận, nỗ lực, sáng tạo của tập thể cán bộ người lao động, Trạm Dịch vụ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ( trực thuộc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn) đã vượt qua những khó khăn ban đầu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là đảm bảo cấp nước cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Kể từ khi được thành lập đến nay, Trạm Dịch vụ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh Thái Nguyên giao phó. Theo đó, thực hiện sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch nông thôn; quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn theo đúng quy định của pháp luật.

z5469211741759_12b8f662884f34b8528d27b5e6767922.jpg
Hệ thống bơm rửa lọc tự động của công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên (nay là phường Đông Cao, thành phố Phổ Yên)

Đồng thời, Trạm cũng đã xây dựng quy trình quản lý vận hành, phương án giá sản phẩm, lập kế hoạch và tổ chức sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hàng năm đối với các công trình nước sinh hoạt nông thôn được quản lý.

Bên cạnh đó, phối hợp với địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng, bảo vệ công trình cấp nước; tư vấn cung ứng dịch vụ, thiết bị vật tư, sản phẩm công nghệ về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Hiện nay, Trạm quản lý 32 công trình cấp nước trên địa bàn 6 huyện và 2 thành phố với tổng số lao động là 119 lao động trong đó khối quản lý có 11 lao động khối sản xuất trực tiếp 108 lao động.

Tiếp tục phát huy những gì đã vượt qua và làm được, trong giai đoạn tới (2025-2030), nhằm mục tiêu không ngừng đổi mới, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn, Trạm dịch vụ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý vận hành áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong công tác khai thác, sản xuất và quản lý nước sạch nông thôn, tiếp nhận, quản lý các công trình mới được UBND tỉnh giao đồng thời từng bước thay thế hệ thống thiết bị lạc hậu đối với các công trình đang quản lý, mở rộng, nâng cấp hệ thống tuyến đường ống nhằm cung cấp nước sạch đến toàn bộ hộ dân trên địa bàn các xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

Cùng với đó, chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành, thu tiền đươc áp dụng đồng bộ đối với công trình đang quản lý. Nâng cao tay nghề người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, nắm bắt khoa học công nghệ nâng cao sức lao động và đảm bảo thu nhập cho người lao động...

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ người lao động Trạm Dịch vụ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XX, tỉnh Thái Nguyên đặt ra: Đến năm 2025 toàn tỉnh có 98% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Tiến Trung