Xã hội

Bình Thuận: Sử dụng đất đai hiệu quả, người dân…“hái trái ngọt”

Đình Du 28/05/2024 - 20:33

(TN&MT) – Tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng và canh tác đất đai hiệu quả, những năm qua, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận đã hướng dẫn phát triển trồng cây thanh long mang lại năng suất cao, giúp cuộc sống người dân đủ đầy, vươn lên làm giàu.

anh-1.jpg
Thanh long đã làm nên thương hiệu tỉnh Bình Thuận

Trồng thanh long, hái trái ngọt

Là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán thường xuyên diễn ra. Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, người dân trên địa bàn đã chuyển đổi cơ cấu trồng các loại cây không những chịu được nắng nóng, hạn hán mà còn mang lại năng suất cao, xuất khẩu mạnh sang nước ngoài, góp phần tạo nên thương hiệu cho ngành trồng trọt Việt Nam.

Chính vì vậy, tỉnh Bình Thuận nói chung, huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng những năm qua phát triển mạnh trồng cây thanh long, và nhanh chóng góp mặt cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tháng 5 bước vào cuối mùa khô, trái thanh long ruột trắng tăng giá lên 25.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ tăng đến 35.000 đồng/kg, theo nhiều thời điểm vượt lên 40.000-45.000 đồng/kg, với giá bán ở thời điểm hiện nay có thể mang về cho người trồng lãi đến 40 %.

Được biết, giá thanh long tăng cao là do nhu cầu thị trường trong nước tiêu thụ mạnh trong những tháng nắng nóng vừa qua, đặc biệt sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng đã giúp các người trồng ngày càng tăng thêm thu nhập. Những năm gần đây, lãnh đạo huyện Hàm Thuận Bắc đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân cũng như các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hàm Thuận Bắc còn chế biến thêm các mặt hàng từ trái thanh long, mục đích đa dạng thêm sản phẩm từ “vương quốc thanh long”.

Điển hình, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm đã chế biến thành công rượu thanh long, nước cốt thanh long, kem thanh long, kẹo thanh long, trà thanh long, mứt thanh long, hoa thanh long sấy, thanh long sấy khô...Tương tự, cơ sở thanh long Bảo Long tại thị trấn Phú Long biến si rô thanh long, mạch nha thanh long, Hợp tác xã thanh long Hàm Đức thì chế biến rượu vang thanh long trắng, rượu vang thanh long đỏ…Thanh long đã và đang góp phần giúp người dân huyện Hàm Thuận Bắc tăng thêm thu nhập, đời sống ngày càng khấm khá, vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững.

anh-2(2).jpg
Nhiều đặc sản chế biến từ trái thanh long

Nâng cao hiệu quả

Theo lãnh đạo huyện Hàm Thuận Bắc, cây thanh long ngày trước không có giá trị cao trên thị trường, người dân Bình Thuận ngày lễ, Tết dùng để hương hoa bàn thờ gia tiên. Bước sang những năm 90 của thế kỷ trước, khi người dân các tỉnh thành trong nước biết đến và tiêu thụ trái thanh long nhiều hơn, cùng với đó các thương lái Trung Quốc tìm đến thu mua thì loài cây này được trồng rộng rãi trên các vùng đất nhiệt đới khô hạn. Cuối mùa xuân, cây thanh long ra hoa, kết trái, đến mùa hè là người trồng tập trung thu hoạch. Để cây thanh long đơm hoa kết quả trái mùa, người trồng chong đèn vào ban đêm và điều chỉnh cho thanh long kết trái và đưa ra thị trường tiêu thụ bất kỳ thời điểm nào mong muốn trong năm. Sự sáng tạo này đã giúp trái thanh long luôn có mặt trên thị trường trong nước lẫn nước ngoài.

Từ một loài cây đặc trưng bình thường của vùng miền, nhưng việc canh tác, sử dụng đất hiệu quả đã giúp người dân Bình Thuận không những “xóa đói, giảm nghèo” mà còn làm giàu cho người dân, tạo công ăn việc làm số lượng lớn cho địa phương. Việc thực hiện các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đã giúp đầu ra và giá bán của các hộ nông dân luôn ổn định, hạn chế tình trạng áp giá khi tới mùa vụ, địa phương đã áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm thanh long, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao nhằm đảm bảo sự đồng đều về chất lượng sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, UBND Bình Thuận đã phê duyệt đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030. Mục tiêu xây dựng vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn an toàn đáp ứng những điều kiện trong nước và ngoài nước, liên kết với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ cho bền vững; hỗ trợ bà con xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chính sách hỗ trợ cho người trồng thanh long.

Phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70 - 75% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP đạt khoảng 10%...

Phát huy hiệu quả từ việc sử dụng đất trồng cây thanh long, người trồng thanh long và các Hợp tác xã ở huyện Hàm Thuận Bắc dự kiến tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng sản xuất sạch, hình thành các chuỗi giá trị liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp trồng và tiêu thụ. Đặc biệt, một số khu vực trồng và sản xuất thanh long hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch.

Hiện trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc có hai mô hình tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm vườn thanh long, mô hình trồng thanh long giống mới vỏ vàng của HTX Trung Bình ở xã Hàm Đức với diện tích 100 ha và mô hình trồng giống thanh long tổ yến Ecuado với diện tích 3 ha ở xã Hồng Liêm.

Đình Du