Biến đổi khí hậu

Nhiều nhà khoa học đề xuất chiến lược thích ứng BĐKH tại Việt Nam

Hoài Thu 28/05/2024 - 20:31

(TN&MT) - Nhằm giảm nhẹ tác động của BĐKH và xây dựng các chiến lược thích ứng, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, Hội thảo Chuyên đề “Hướng tới tương lai bền vững: Chiến lược thích ứng tại Việt Nam” đã nhận được các khuyến nghị và nhiều đề xuất giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong việc thích ứng với BĐKH tại Việt Nam.

Hội thảo Chuyên đề “Hướng tới tương lai bền vững: Chiến lược thích ứng tại Việt Nam” do trường Đại học TN&MT Hà Nội phối hợp cùng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TN&MT, Đoàn thanh niên Bộ TN&MT, Cơ quan phát triển Pháp, đồng tổ chức ngày 28/5. Hội thảo đề cập đến một số vấn đề trọng tâm trong việc phát triển các nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm ứng phó với BĐKH trong bối cảnh hiện nay.

x.jpg
PGS.TS Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết, BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp, với các biểu hiện cực đoan của thời tiết trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam, với nạn hạn hán gay gắt, kéo dài ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn diện rộng tại đồng bằng sông Cửu Long; bão mạnh đến siêu bão, mưa cường độ lớn ở nhiều nơi.

Để giảm nhẹ tác động của BĐKH hiện nay, thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường đã triển khai thực hiện nhiều chương trình khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ, đề tài khoa học và công nghệ các cấp, nhằm phục vụ công tác quản lý, cảnh báo, dự báo về BĐKH, thiên tai, đóng vai trò quan trọng vào công cuộc hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế trong nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Do đó, Hội thảo ngày hôm nay với mục tiêu xây dựng một số chiến lược thích ứng tại Việt Nam, cùng sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học nổi tiếng ở trong và ngoài nước, bà hy vọng Hội thảo sẽ nhận được các ý kiến, trao đổi thảo luận trong việc cung cấp cái nhìn tổng quan các kịch bản về BĐKH tại Việt Nam thông qua các nghiên cứu trong khuôn khổ dự án GEMMES Việt Nam giai đoạn 1, để từ đó có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-05-28-luc-16.36.36.png
Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu– Bộ TN&MT phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TN&MT khẳng định, trong COP 26, Việt Nam đã cam kết đạt Netzero vào năm 2050 với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, cần chú trọng phát triển, tăng cường một số biện pháp chính như: Xây dựng các chính sách về chuyển đổi năng lượng, quy hoạch điện toán, tạo nên nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch – hydrogen..; nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng tài nguyên kinh tế tuần hoàn; cần chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp, cây trồng, mùa vụ,… nhằm làm giảm phát thải và cho ra cây trồng chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cần phải thu hồi, lưu trữ carbon từ các nhà máy, khu công nghiệp, chôn lấp xuống các tầng đất ngầm và các vỉa than đã khai thác để tận dụng carbon cho các quá trình sử dụng sau này. Quan trọng hơn cả là việc định giá carbon, vì thị trường carbon là một thị trường lớn, có xu thế phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nhằm đạt được những biện pháp này, ông Tuấn Quang cho rằng: “Việt Nam cần có một khoản chi phí khoảng 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2050. Điều này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị, các tổ chức quốc tế, các ưu đãi nước ngoài và Nhà nước, Đoàn viên thanh niên cũng như các doanh nghiệp tư nhân, các nhà khoa học và các em sinh viên cần phải cùng chung tay đóng góp trong việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường”.

Từ năm 2018, Cục Biến đổi khí hậu đã hợp tác cùng cơ quan phát triển Pháp, Đại sứ quán Pháp tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và đề ra các chiến lược quốc tế. Các kết quả nghiên cứu này cũng được sử dụng rất nhiều cho việc áp dụng vào các quy hoạch vùng kinh tế của Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-05-28-luc-16.36.11.png
Ông Denis Fourmeau – Tùy viên hợp tác Khoa học và Đại học, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phát biểu

Ông Denis Fourmeau – Tùy viên hợp tác Khoa học và Đại học, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm nước phải chịu tác động tiêu cực nhất từ BĐKH. Do đó, việc thích ứng và chuyển dịch năng lượng như biện pháp mà ông Nguyễn Tuấn Quang đã nêu chính là hai ưu tiên của đất nước.

Thông qua những nỗ lực toàn cầu của Việt Nam trong cuộc chiến chống BĐKH, Việt Nam đã tham gia triển khai xây dựng chương trình nghiên cứu GEMMES Việt Nam. Đây là kết quả hợp tác chặt chẽ giữa Cục biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT và Cơ quan phát triển pháp AFD từ năm 2018, trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ lần đầu mà Bộ TN&MT và AFD đã ký kết. Giai đoạn 1 GEMMES đã được AFD, Viện nghiên cứu phát triển Pháp – IRD và cục biến đổi khí hậu triển khai thành công từ năm 2019 đến năm 2022.

“Để triển khai nghiên cứu, chúng ta rất cần các nhà khoa học, đó là các nghiên cứu sinh tiến sĩ, các sinh viên đang học thạc sỹ, các khoa trong các trường đại học nơi đào tạo các sinh viên, nghiên cứu sinh tiến sỹ và các nhà nghiên cứu,… đây sẽ là lực lượng thúc đẩy cho mối quan hệ hợp tác khoa học Pháp - Việt trong tương lai. Đó chính là lý do vì sao Pháp đã cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong hoạt động hợp tác đại học đầy tham vọng, thông qua các cơ sở đào tạo Pháp-Việt như USTH (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội),… đặc biệt là chúng tôi luôn mong muốn hợp tác với các trường Đại học về lĩnh vực tài nguyên và môi trường…” – Ông Denis Fourmeau nhấn mạnh.

anh-chup-man-hinh-2024-05-28-luc-16.35.38.png
TS. Trương Bá Kiên – Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và BĐKH trình bày tham luận

TS. Trương Bá Kiên – Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và BĐKH trình bày về “Đồng bằng sông Cửu Long trước áp lực khí hậu và nhân sinh”, trong đó, ông chỉ ra, từ các năm 1990 – 2018; từ 2018 đến nay, BĐKH đã gây ra tình trạng nhiệt độ tăng được ghi nhận ở tất cả các trạm đo lường khí hậu tại Đồng bằng, với xu hướng ấm lên trung bình -0,2 độ C/thập kỷ, trong khi diễn biến lượng mưa tương phản hơn kịch bản khí hậu toàn cầu.

Trong đó, trầm tích bị giữ lại bởi các đập ở thượng nguồn và việc khai thác cát từ dòng sông quá mức là nguyên nhân chính làm tăng hiện tượng xâm nhập mặn, trong khi việc khai thác quá mức nước ngầm cũng gây ra tỷ lệ sụt lún cao và do đó, mực nước biển dâng tương đối nhanh chóng.

Vì vậy, cần có một cách tiếp cận toàn diện để đối phó với BĐKH trong tương lai và áp lực con người tạo ra. Qua đó, TS. Trương Bá Kiên đề xuất xây dựng chiến lược trong thích ứng với BĐKH, thông qua việc chú trọng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản bền vững ở Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-05-28-luc-16.43.39.png
Quang cảnh Hội thảo

Đưa ra một số giải pháp về khuyến nghị giúp thích ứng với BĐKH tại Việt Nam, TS. Nguyễn Tú Anh – Viện Khoa học Tài nguyên nước cho biết, cách tiếp cận dựa trên hệ thống tích hợp đánh giá tính dễ bị tổn thương và rủi ro của khí hậu.

Đồng thời, cần điều chỉnh những chính sách thích ứng phản ánh cả bối cảnh địa phương và nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương, lồng ghép việc thích ứng vào quy hoạch phát triển ngành và địa phương; thiết lập hệ thống thích ứng phù hợp để thúc đẩy áp dụng tổng thể các biện pháp thích ứng cứng và mềm. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực và tăng cường sự hỗ trợ tài chính cũng như kỹ thuật cho tất các các bên liên quan trong việc ứng phó với BĐKH….

Bên lề Hội thảo còn diễn ra phiên trao đổi, thảo luận về việc xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các đơn vị nghiên cứu.

Hoài Thu