Bình Thuận: Đầu tư 300 tỷ đồng xây bờ bè trên đảo Phú Quý
(TN&MT) HĐND tỉnh Bình Thuận vừa thông qua chủ trương đầu tư 300 tỷ đồng cho dự án xây dựng bờ Kè chống xâm thực bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý và các tuyến đường kết nối giao thông trên đảo.
Dự án xây dựng bờ kè nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực gây sạt lở bờ biển, làm thu hẹp diện tích đảo, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân; bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, di tích văn hóa, lịch sử khu vực bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý.
Mặt khác dự án có thêm các công trình hạ tầng dọc bờ biển, giúp cải tạo cảnh quan môi trường, tạo điểm vui chơi, ngắm cảnh cho nhân dân địa phương và du khách khi đến đảo và tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong khu vực. Dự án cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung của khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Quy mô dự án bờ kè gồm xây dựng 2 đoạn kè có tổng chiều dài khoảng 1.900 m. Trong đó, đoạn 1 có chiều dài khoảng 560 m và đoạn 2 có chiều dài khoảng 1.340 m. Trên tuyến kè có đường kết nối hệ thống giao thông trong khu vực, bậc lên xuống mái kè, hệ thống tiêu nước, đường quản lý trên đỉnh kè và các hạng mục phụ trợ khác. Thời gian thực hiện dự án là bốn năm.
Những năm qua trên đảo Phú Quý thường xảy ra hiện tượng xâm thực nước biển. Do đó, việc đầu tư dự án kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý là cần thiết. Dự án nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực gây sạt lở bờ biển, làm mất đất, làm thu hẹp diện tích đảo. Đồng thời bảo vệ cơ sở hạ tầng như đường giao thông, di tích văn hóa, lịch sử khu vực bờ biển phía bắc đảo Phú Quý.
Được biết, ngoài công trình bờ kè vừa được phê duyệt, trên huyện đảo Phú Quý đang triển khai giai đoạn 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền của ngư dân. Dự án được đầu tư với số vốn 450 tỷ đồng. Sau hoàn thành sẽ đáp ứng quy mô neo đậu 1.000 chiếc, tàu công suất 600CV neo đậu tránh trú bão.
Huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý với diện tích tự nhiên 17 km2, dân số khoảng 30.000 người. Địa phương này xác định phát triển kinh tế với 2 trụ cột chính là đánh bắt thủy sản, hậu cần nghề cá và thương mại dịch vụ, du lịch.