Yên Bái: Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền một số Luật đến các xã, phường
(TN&MT) - Sáng 28/5, tại Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị trực tuyến truyền truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2024, Luật Căn cước năm 2023 qua hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 7.000 đại biểu từ tỉnh đến xã, phường tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng: Luật Căn cước năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 là 2 luật quan trọng, tác động lớn đến đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi người dân. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an cũng như Bộ Tư pháp đã tổ chức các hội nghị triển khai thi hành, phổ biến, quán triệt 2 luật nay. Tại tỉnh Yên Bái, Sở TN&MT, Công an tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành và phổ biến, quán triệt Luật Căn cước năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024.
Hội nghị là cơ sở để Sở Tư pháp, cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Tại hội nghị, ông Lê Công Tiến – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái trực tiếp phổ biến những điểm mới trong Luật Đất đai năm 2024. Theo ông Lê Công Tiến, Luật Đất đai năm 2024 được xây dựng dựa trên cơ sở thể chế hóa 5 quan điểm, xác định 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp, 8 chính sách lớn trong hoàn thiện pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Luật Đất đai năm 2024 có những điểm mới quan trọng đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Theo ông Lê Công Tiến, Luật Đất đai năm 2024 là bộ luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Vì vậy, Sở sẽ phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật đất đai 2024 đến mọi tầng lớp nhân dân để luật sớm đi vào cuộc sống.
Những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực để thực hiện chính sách; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Loại bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất mới từ 1/1/2026; đất không có giấy tờ trước ngày 1/7/2014 được cấp sổ đỏ; đất cấp sai thẩm quyền sau 2014 sẽ được cấp sổ đỏ; thêm nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất; Đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; chỉ được thu hồi đất khi đã bàn giao nhà ở tái định cư; bổ sung thêm khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất; cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mở rộng quyền sử dụng đất.
Cũng tại hội nghị, Thượng tá Lê Văn Hiền – Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an tỉnh Yên Bái đã phổ biến về Luật Căn cước 2023. Từ ngày 1.7.2024, mỗi công dân sẽ được cấp một căn cước điện tử để thuận tiện trong các giao dịch hành chính. Luật Căn cước 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, khi đó thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước và căn cước điện tử sẽ được sử dụng.