Thiên đường chim hoang dã giữa đại dương - Bài 2: Phủ kín trứng, tổ và nhiều vạn chim hoang dã
Biển đảo - Ngày đăng : 13:06, 28/05/2024
Hóa ra, hòn Trứng là nơi có nhiều chim nhất Việt Nam, nhất cả vùng Đông Nam Á.
"Đất lành chim đậu", có lẽ từ thượng cổ tới giờ, chim bản địa và chim di cư bay khắp địa cầu đều coi Đảo Trứng là ngôi nhà bình yên, là bến đỗ lý tưởng cho chúng. Ví dụ, chim di cư đi từ Siberia, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, qua nước ta rồi đi tiếp về Úc châu. Dọc đường, cũng như chúng ta lái xe đi du lịch, phải dừng đổ xăng (hồi Tam Quốc, Thủy Hử thì là dừng lại cho ngựa ăn), ăn uống, ngủ nghỉ, rồi mới đi tiếp. Thì Hòn Trứng (Côn Đảo) và các bến đỗ khác kiểu Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Nam Định),... đã đủ bình yên, tin cậy để các loài chim lựa chọn làm nơi nghỉ chân, kiếm thức ăn, tiếp nhiên liệu. Tất nhiên, chỗ nào bị bắt, bẫy, bắn nhiều do buông lỏng quản lý - khiến lũ chim cảm thấy mất an toàn thì chúng bỏ qua hoặc đậu một tí rồi thảng thốt bay. Các điểm an toàn như Hòn Trứng, chim di cư lưu luyến nán lại cả tháng, thậm chí có loài "bén rễ xanh cây", lại vướng vào yêu đương mặn nồng, chúng ở lại cả năm, có khi thành loài định cư luôn.
Từ khi chưa ai đặt tên đảo đá trơ trọi giữa biển trời bát ngát xa xôi ấy là Đảo Trứng, Đảo Trứng Chim, thì hẳn là (dĩ nhiên rồi) người dân sở tại và thuỷ thủ các tàu thuyền qua lại đã biết đến việc lấy trứng, bắt chim làm thực phẩm hoặc hàng hóa. (Vì đứng từ xa đã thấy chim bay mù trời, kêu điếc tai, làm gì có ai không biết!). Chim trời cá nước, mạnh ai nấy bắt. Mãi gần đây, câu chuyện bảo tồn chim mới nhen nhóm và chính sách cấm bắt bẫy chim hoang dã mới thật sự đi vào cuộc sống. Từ bấy, kiểm lâm VQG Côn Đảo, ngoài bảo vệ rừng, bảo vệ muông thú trong địa phận, lâm phận mình quản lý, họ còn làm một nhiệm vụ đặc biệt, ấy là bảo vệ đảo Hòn Trứng - hòn đảo - chắc chắn thuộc loại đặc biệt nhất Việt Nam.
Bao năm, Kiểm lâm từng bắt và xử lý không ít đối tượng lên đảo Trứng trái phép, mang cả quang gánh và xô chậu lên "nhặt" trứng chim (chúng chọn hết các quả trứng to như trứng gà trứng vịt đem đi), bắt chim non về để ăn, để bán. Kiểm lâm phải ngăn chặn các tàu du lịch và tàu cá không cho lên đảo. Họ lắp camera giám sát, theo dõi mọi tàu thuyền đến gần và các ý định leo lên đảo, rồi tìm cách gọi loa yêu cầu rời xa khu vực đảo được bảo vệ đặc biệt. Nếu các đối tượng ngoan cố, tàu siêu tốc của lực lượng kiểm lâm sẽ có mặt để xử lý nghiêm. Ca-nô siêu tốc khi ấy xé gió, xé sóng mà lao đi.
Trước kia, Kiểm lâm gọi loa thông báo, dùng tàu tuần tiễu phòng ngừa, "xử lý" các vụ vi phạm điểm để răn đe. Nay, thời 4.0 hiện đại hơn, họ lắp camera giám sát. Không có điện để chạy máy quay thì họ lắp tấm pin mặt trời có diện tích đôi ba mét vuông. Đảm bảo máy chạy ro ro, phát tín hiệu về tận điện thoại thông minh của Giám đốc Nguyễn Khắc Pho và cộng sự. Anh Pho đã nhiều lần, có khi nửa đêm, có lúc Tết nhất, hoặc thư nhàn, anh lưu các video trực tiếp từ Đảo Trứng về máy điện thoại và gửi cho tôi ngắm chim chóc Đảo Trứng.
Đó là lý do chuyến tàu hôm nay, tôi, anh Pho, con trai anh và bố con danh hài Xuân Bắc tới đảo có sự tháp tùng của các anh kiểm lâm và cả thợ bảo hành camera an ninh. Không biết loài chim nào hay sinh vật lạ nào, gần đây rất hay cắn đứt dây dẫn của camera an ninh trên đảo. Thợ kỹ thuật phàn nàn rồi giơ các điểm đứt dây nối, các vết cắn gặm dây nối khó hiểu kia cho tôi chụp ảnh.
Nếu từng biết thông tin và các thông điệp về Hòn Trứng, chắc là thật khó có tín đồ du lịch, khó có người yêu thiên nhiên nào mà không từng ước ao khám phá nơi này. Một "viên đá xinh đẹp" nhô lên giữa đại dương, mà hội tụ tới 80 loài chim khác nhau, với hàng vạn hàng vạn cá thể đứng chen vai thích cánh, tiếng kêu ánh ỏi ầm ĩ. Sau một ngày bò theo từng gờ đá, leo hình chữ chi (Z) lên phía đỉnh (nói dại, sẩy chân một tẹo là sẩy mạng), tôi đã nghĩ mình bị chứng ù tai vì quá nhiều tiếng ồn đinh tai nhức óc kia. Chúng đánh nhau, yêu nhau, cắp cá, mớm mồi, giao phối, sinh nở, đủ sắc thái. Khó có từ nào khác để gọi cho nơi này: một thiên đường chim kỳ diệu. Lúc nào anh Nguyễn Khắc Pho mở điện thoại, xem hình ảnh trực tiếp từ camera giám sát ngoài đảo, anh cũng thấy mù trời chim bay.
Đại bàng biển cong mỏ, quắc mắt, đứng oai phong trên đỉnh đá cao nhất, bao quát cả giang sơn gấm vóc mà hắn nghĩ hắn đang là chúa tể trời xanh. Nhiều nhất là các loài chim nhàn (nhạn) biển, nhàn trắng, nhàn xám, nhàn hồng, nhàn mào, nhàn Sumatra. Có lúc gầm ghì trắng về từng đàn, trắng, vàng, xoè đuôi tròn duyên dáng, có lúc bồ câu Nicoba, loài chim thuộc họ bồ câu chắc chắn đẹp bậc nhất mà trời đất từng sinh ra. Lạ nhất là lũ chim điên, tôi đăng tải và nhiều người thấy chúng lạ quá, chát (chat) hỏi, tôi bảo: Chim điên. Ai cũng giật mình, nó là chim gì, nói thật đi, sao cứ đùa rồi rủa các chú chim là "điên" mãi thế. Nhưng, quả thật loài này tên là chim điên. Chúng nuôi con, dịu dàng, ngơ ngác, đi lạch bạch như con ngỗng trên vách đá chon von. Có lúc, thấy chúng đầu nhẵn mượt, lông cổ và lông đầu đen như một lão bà cuốn khăn mỏ quạ đen; mắt thơ ngây, viền hơi vàng. Nhìn như một bà sơ hay vị ni cô ngoan đạo, tóc cắt trọc hoặc rất ngắn, trùm khăn đen...
Đi trong thế giới phủ kín trứng chim, tổ chim, chim non, lao xao các cọng cỏ xanh vàng, thấy vô thiên lủng các loài chim, hàng vạn và nhiều vạn cá thể đậu ngơ ngác. Người đi bộ sắp dẫm phải nó cũng chẳng thèm bay. Số khác nhút nhát hơn thì bay thành nhiều tầng lớp trên bầu trời. Những bạn nhàn bố nhàn mẹ (trống, mái) đang ấp trứng hoặc nuôi con luôn hung dữ hơn nhiều, chúng kêu cứu ầm ĩ, cáu kỉnh ụ xoẹ tung tóe.
Tất nhiên là chúng tôi say mê bảo tồn, đi với lãnh đạo VQG và các kiểm lâm viên lão luyện khám phá Hòn Trứng để làm nhiệm vụ, chẳng ai sơ ý hay cẩu thả dẫm vào trứng hoặc đá vào chim non hoặc làm ngã chúng theo vách đá xuống biển xanh hàng trăm mét sâu kia. Nhưng, lũ chim có thể đang nghĩ chúng đối mặt với bọn trộm trứng và giết chim non. Có con hung dữ, nhất là bọn nhàn biển với phom mào dựng đứng uy phong đầy nam tính, chúng lao thẳng vào tấn công chúng tôi.
Chim nhiều đến mức, phân chim phủ kín đảo đá, từ nhiều thế kỷ qua, phủ mọi lối đi và chút cây cỏ xanh lơ mơ ỏn sót ở đó. Trời sinh đất dưỡng biển nâng niu thế nào mà Hòn Trứng lại nhô từ biển lên trong một kiến tạo địa chất cổ, có dáng thuôn như một quả trứng chim trắng loang lổ (do phân chim phủ kín), cắm từ trời xanh mơ xuống Thái Bình Dương xanh thắm. Vì cả dáng trứng và màu phân chim đời nọ qua đời kia bồi đắp vào, nên đảo đã chết danh là Hòn Trứng, Hòn Trứng Chim, Đảo Chim, Hòn Đá Bạc (đá trắng bạc đi do phân chim), Hòn Phú Thọ (tôi chưa hiểu nguồn gốc tên gọi này). Có sách viết, nhìn từ xa, đảo Trứng có hình một con hà mã đang đằm mình cơ bắp giữa đại dương.
Chim ở đây hình như cũng có ý trình diễn nghệ thuật cho người xem. Thi thoảng, tùy theo nắng hay gió thế nào đó, chúng lại đồng loạt giật mình thảng thốt bay lên với ngàn vạn cá thể. Tùy theo góc nhìn ngược hay xuôi sáng của bạn, sẽ thấy chúng bay như một đàn ong vỡ tổ, như một cơn giông đen kịt, hoặc như một đám mây trắng tuễ toãi khắp bầu trời. Tiếng kêu của chúng ríu ran, thương mến, cũng có khi hãi hùng thảng thốt, tôi nghĩ là (đôi lúc) có cả căm giận oán thán nữa.
Nói vụng, vài ông hứng chí kêu lên một tiếng hoặc vỗ tay vài cái thật mạnh, thì chim bay điên đảo mù trời. Lũ chim điên to con, sải cách lớn, chúng bay qua đầu phần phật vạm vỡ, khiến chúng tôi có cảm giác mình đang bị lũ chim lớn dàn trận bao vây, chứ không phải chúng bị quấy rầy và đang sợ hãi. Nhóm đại bàng biển kiêu dũng với sải cánh mênh mông thì lặng lẽ rình mồi, thoắt ẩn thoắt hiện tinh tế ranh ma hơn. Bọn nhàn biển trắng tinh khôi, bay như vãi chấu, nhiều "vô thiên lủng", lượn như drone (máy bay không người lái), lắm lúc chúng đứng im trên không trung rất lâu như đang chơi một trò ú tim nào đó. Một sự náo nhiệt trên mọi sự náo nhiệt mà bạn từng thấy, nếu bạn nép mình trong một vách đá và rón rén tiến lại phía đang có vạn vạn cô chú chim đang dè chừng rồi gào gổng ấy. Có lúc chúng bay, như cả hòn đảo chuyển động, như chúng giăng mỏ cắp Đảo Trứng lên tít mây xanh mà bạn là một thành viên nhỏ bé cũng vô tình được (phải) đồng hành.
Trình bày: TÙNG QUÂN