Khoáng sản

Bình Thuận: Áp dụng chuyển đổi số vào quản lý khoáng sản

Đình Du 28/05/2024 - 10:54

(TN&MT) - Năm 2024, tỉnh Bình Thuận thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Trọng tâm là áp dụng chuyển đổi số.

Thực hiện nhiều giải pháp

Nhằm nâng cao quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên khoáng sản trên đại bàn tỉnh Bình Thuận, Sở TN&MT Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch về thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.

11a.jpg
Tạm giữ phương tiện khai thác cát trái phép

Đồng thời sở cũng triển khai các phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ khoáng sản với các tỉnh giáp ranh; thường xuyên có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không để điểm nóng xảy ra.

Theo ông Trần Nguyên Lộc - Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, để nâng cao công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, sở đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố cùng cấp xã nhằm giám sát tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiệu quả.

Theo đó, tất cả các hồ sơ, tài liệu đều được lưu trữ tại máy tính cơ quan để quản lý. Ngoài ra, trên giao diện máy vi tính, điện thoại cầm tay, người dùng có thể quan sát kịp thời tổng thể về các khu vực mỏ, thông tin pháp lý và tình hình hoạt động khai thác của các khu vực đã cấp phép, ranh giới các quy hoạch khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất, khu vực dự trữ khoáng sản... để đối chiếu kiểm tra thực tế ngoài thực địa.

"Người dùng có thể nhận tin báo qua email, điện thoại cảnh báo các điểm biến động địa hình, hiện trạng theo địa bàn quản lý, theo đó xem ảnh vệ tinh, vị trí, tọa độ và truy suất thông tin các lớp bản đồ khu vực cảnh báo làm cơ sở xác minh và xử lý theo quy định. Dự án ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát khai thác khoáng sản trên địa bàn được Sở TN&MT thực hiện lộ trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", ông Lộc cho biết thêm.

Kiên quyết xử lý sai phạm

Nhằm ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý sai phạm.

Điển hình, đoàn kiểm tra liên ngành, công an huyện Tánh Linh, các xã và thị trấn từ đầu năm 2024 đến nay đã kiểm tra, xử lý 177 vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác, tàng trữ, mua bán khoáng sản trái phép, tịch thu, tạm giữ nhiều phương tiện vi phạm như máy khoan, máy bơm hút cát, ghe tàu, khoáng sản...

Cụ thể, UBND các xã, thị trấn xử lý 80 trường hợp, công an huyện Tánh Linh xử lý 80 vụ, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện xử lý 17 trường hợp. Ngoài ra, Huyện Tánh Linh đã phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra và phát hiện 3 doanh nghiệp khai thác, tàng trữ cát trái phép và ra quyết định xử phạt 261 triệu đồng.

UBND huyện Tánh Linh đã đưa vào vận hành hệ thống camera có thể quan sát tầm cao đến 30m, tầm quan sát xa đến 5km. Hệ thống camera tự động này sẽ ghi lại hình ảnh, video và truyền trực tiếp về trung tâm để xem trực tiếp và lưu trữ. Tháng 3 vừa qua, Sở TN&MT Bình Thuận thành lập đoàn liên ngành, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh khoáng sản lớn tại huyện Hàm Tân.

Theo ông Giáp Hà Bắc - Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép thường hoạt động vào ban đêm. Vì vậy, UBND huyện Tánh Linh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về khoáng sản. Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị công an tỉnh Bình Thuận quán triệt, chỉ đạo lực lượng công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động khoáng sản, nhất là tình trạng khai thác khoáng sản thuộc địa bàn quản lý.

Để khắc phục những tồn tại và khai thác tốt các loại tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Bình Thuận, Sở TN&MT đang tiếp tục rà soát hiện trạng toàn bộ các mỏ khoáng sản làm hồ chứa nước đang khai thác và đã kết thúc khai thác, tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo để tăng cường cải tạo, phục hồi môi trường tại những khu vực này.

Ngoài ra, Sở còn tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành các quyết định thu hồi đất và điều chỉnh quyết định thu hồi giao địa phương quản lý đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để khai thác khoáng sản đã đóng cửa mỏ. Đồng thời, sẽ thông báo cho UBND các địa phương, doanh nghiệp khi giấy phép khai thác hết hạn để yêu cầu chấm dứt hoạt động khai thác, thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.

Để góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, Sở TN&MT đề nghị các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nắm cụ thể các khu vực, các điểm nóng trên địa bàn, nhất là các vị trí tập kết khoáng sản trái phép, lập danh sách các đối tượng khai thác, tàng trữ, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể từng khu vực để tuyên truyền, vận động người dân đấu tranh với các đối tượng vi phạm.

Đình Du