Canh tác lúa giảm phát thải, tăng thu nhập
(TN&MT) - Trung tuần tháng 5, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai đợt tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải đồng loạt tại 5 địa phương: Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Đối tượng là hội viên nông dân, lãnh đạo hợp tác xã, cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật... nhằm tăng cường năng lực xây dựng mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 – 2026, 5 địa phương sẽ triển khai thí điểm Đề án Phát triển 1 triệu ha với tổng diện tích khoảng 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp và làm liên tục. Các địa bàn được lựa chọn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, bao gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang (đất phèn mặn), Đồng Tháp (đất đầu nguồn), Trà Vinh (đất bồi, phù sa).
Ngay trong vụ hè thu 2024, các mô hình sẽ triển khai việc đo đạc - báo cáo - thẩm định giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (MRV). Cụ thể, mô hình của thành phố Cần Thơ dự kiến triển khai trên quy mô khoảng 50ha, do HTX nông nghiệp Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) thực hiện. Trong vụ hè thu 2024, HTX đã khởi động gieo sạ 47ha, sẽ tiếp tục mở rộng trong vụ đông xuân 2024 – 2025 và hè thu 2025.
Đợt tập huấn tại HTX Thuận Tiến xoay quanh các vấn đề về quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp; vai trò của hợp tác xã trong tổ chức, sản xuất, liên kết tiêu thụ; giải pháp công nghệ và quy trình MRV; một số ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa góp phần giảm phát thải. Các học viên cũng dành thời gian tham quan trình diễn thực địa trên đồng ruộng.
Theo ông Minh Hẹn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), lớp tập huấn lần này sẽ chuyển giao tương đối đầy đủ các kiến thức trong quy trình canh tác lúa chất lượng cao đến với nông dân. Đây là bước đệm tạo thuận lợi cho các hợp tác xã khi triển khai mô hình thí điểm. Đồng thời giúp hội viên nông dân nhận thấy được lợi ích từ việc tiết giảm công lao động, giảm chi phí lúa giống, giảm lượng phân bón trong quy trình sản xuất canh tác lúa.Từ đó, lúa chất lượng cao sẽ làm gia tăng giá trị của sẩn phẩm lúa gạo trên thị trường.
Thông qua tập huấn này, Hội Nông dân sẽ phối hợp với lực lượng Khuyến nông cộng đồng tuyên truyền, tổ chức lại tập quán sản xuất theo hướng sản xuất lúa chất lượng cao. Đồng thời, giúp nông dân nhận thức tốt hơn việc canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm giảm công lao động, giảm chi phí lúa giống, giảm lượng phân bón. Qua đó, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới hình thành thương hiệu lúa gạo của địa phương.
Tại tỉnh Trà Vinh, 2 HTX tham gia thí điểm trong vụ Hè Thu 2024 là HTX nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo), huyện Châu Thành với diện tích tham gia 50 ha/HTX.
Theo ông Trần Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài, trong 2 ngày 20-21/5, thành viên 2 hợp tác xã tham gia Đề án được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn đợt thứ 2, hướng dẫn quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm”, biện pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hạn chế nước ngập ruộng sau thu hoạch lúa, hướng dẫn phương pháp sạ cụm để giảm lượng giống gieo sạ dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; giảm 20% lượng lượng nước tưới so với canh tác truyền thống... Hợp tác xã cũng vừa xuống giống dứt điểm vụ lúa Hè Thu theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, giảm phân thuốc có nguồn gốc hóa học, giảm lượng giống gieo sạ sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ trồng lúa. Việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất cũng giúp ổn định giá bán lúa. Dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống.
Đề án sẽ giúp người trồng lúa Trà Vinh có thu nhập ổn định, với lợi nhuận đạt ít nhất 40% giá bán, chưa tính doanh thu từ việc bán rơm. Bên cạnh đó là giảm thiểu được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Dự kiến đến năm 2030, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mang tầm quốc gia, có sự đồng hành của nhiều cơ quan chuyên môn. Trách nhiệm của bà con nông dân là trực tiếp sản xuất theo quy trình để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo.
Ông Hồng đánh giá, quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải không khác nhiều so với một số giải pháp kỹ thuật như "1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng"... mà bà con đang áp dụng. Tuy nhiên sẽ có một số vấn đề canh tác cần được lưu ý, cập nhật thêm để việc sản xuất trở nên tốt hơn. Chương trình tập huấn lần này chuyển giao tương đối đầy đủ các kiến thức trong quy trình canh tác lúa chất lượng cao đến với nông dân. Đây là bước đệm tạo thuận lợi cho các HTX khi triển khai mô hình thí điểm trong các mùa vụ tới.
Từ thí điểm thành công, mô hình sẽ được áp dụng rộng rãi tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có khả năng mở rộng ra toàn quốc.
Thực tiễn cho thấy, việc tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật có tính quyết định đến chất lượng của mô hình. Từ đầu tháng 5, nhiều diện tích trên cánh đồng thí điểm của xã Thạnh An bị sâu ăn lá tấn công. Bất chấp khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp, một số nông dân vẫn âm thầm mua thuốc trừ sâu về phun. Kết quả sau đó cho thấy phần lúa được phun thuốc trừ sâu và lúa không cần dùng thuốc đều xanh tốt như nhau, thậm chí cây lúa không phun thuốc còn phát triển cứng cáp hơn. Đây là giai đoạn cây lúa đang phân nhánh, mật độ sâu bệnh còn trong tầm kiểm soát nên không nhất thiết phải sử dụng thuốc trừ sâu.
Dù nông dân đã trải qua tập huấn, nhưng tập quán canh tác và tâm lý nông dân khi phát sinh vấn đề còn cần thời gian để thay đổi. Để các mô hình sản xuất thí điểm của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đạt được kết quả như mong đợi, xuyên suốt quá trình triển khai rất cần có sự chỉ đạo sâu sát và công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, địa phương. Trong đó, lực lượng khuyến nông và khuyến nông cộng đồng bám sát địa bàn, thể hiện tốt nhất vai trò giữ vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và người sản xuất, giúp phát huy tối đa năng lực của người nông dân và các bên tham gia liên kết.
Theo Bộ NN&PTNT, về nguồn vốn thực hiện các mô hình thí điểm, Trung ương sẽ chi trả về mặt kỹ thuật mô hình, địa phương chi trả về vật tư và hạ tầng. Ngoài ra, các mô hình thí điểm còn có sự tham gia đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp.
Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cam kết hỗ trợ về kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp, chất lượng cao; cung cấp dịch vụ gieo sạ bằng máy (tối đa 50ha/mô hình); hỗ trợ 50% chi phí giống xác nhận; thiết bị đo mực nước tự động; đo đếm các chỉ tiêu nông học, đất, tính toán hiệu quả kinh tế…