Xã hội

Bắc Ninh: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp giảm nghèo bền vững

Việt Anh 27/05/2024 - 19:06

(TN&MT) - Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn dựa trên nhu cầu thực tế nhằm tạo việc làm bền vững, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, gắn với công tác giảm nghèo bền vững là một trong những hướng đi trọng tâm được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai tích cực và thực hiện có hiệu quả.

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề

Bắc Ninh là một trong những địa phương đang khai thác tốt các lợi thế, đồng thời tích cực đầu tư phát triển hệ thống các trường, trung tâm đào tạo nghề từ mặt bằng, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ giáo viên giảng dạy được quan tâm bồi dưỡng toàn diện, bởi đây là yếu tố then chốt trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương và các vùng lân cận. Thực tế cho thấy, khi một người đã có nghề, chuyện tìm kiếm việc làm ổn định là không khó, bởi việc làm ở nông thôn cũng như các khu công nghiệp đang phát triển khá phong phú, đa dạng.

Theo ông Nguyễn Kim Triều, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh quan tâm chỉ đạo thực hiện gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn. Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2021, tỉnh ban hành 23 Quyết định, Kế hoạch chỉ đạo; phê duyệt 61 chương trình đào tạo nghề (17 nghề nông nghiệp, 44 nghề phi nông nghiệp), hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

bac-ninh-lao-dong-nong-thon-duoc-tao-nghe-co-viec-lam-sau-dao-tao-tang-deu-hang-nam.jpg
Lao động nông thôn được tạo nghề, tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu

Cùng với các chính sách của Trung ương, Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách đặc thù như: Nâng độ tuổi cho đối tượng được hỗ trợ học nghề; quy định chế độ hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh… qua đó tạo điều kiện thuận lợi, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề gắn với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp.

Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề được quan tâm thực hiện thường xuyên. Hàng năm, các ngành chức năng và các địa phương, cơ sở chủ động tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, đề xuất bổ sung danh mục ngành, nghề đào tạo cho lao động nông thôn; tổ chức tuyên tuyền và tư vấn học nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, giúp người lao động nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, ý nghĩa về đào tạo nghề , danh sách các ngành nghề đào tạo, trình tự, thủ tục tham gia học nghề và chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động…

1-dao-tao-nghe-06042022.jpg
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp giảm nghèo bền vững

Cũng theo ông Nguyễn Kim Triều, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được phân cấp trực tiếp về các huyện, thành phố nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động lựa chọn ngành nghề đào tạo, phù hợp với nhu cầu của người dân cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Sau đào tạo, người lao động vận dụng được kiến thức, kỹ năng được học vào sản xuất, kinh doanh; tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giai đoạn 2010-2021, toàn tỉnh có hơn 55 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề; tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt 81%, trong đó số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo gắn với các doanh nghiệp đạt 25%. Mức thu nhập của người lao động sau học nghề góp phần quan trọng trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng góp vào công tác giảm nghèo tại các địa phương.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội

Thời gian tới, việc mở rộng quy mô, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là yêu cầu thực tiễn, khách quan đặt ra. Bám sát Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030” của Trung ương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chương tình đào tạo, nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn, trong đó có ưu tiên cho các đối tượng yếu thế, những khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, khởi nghiệp theo các chính sách đã được Chính phủ, tỉnh quy định.

Bên cạnh đó, Nhà giáo, người dạy nghề cho lao động nông thôn được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác đào tạo nghề; cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề...

143089_7f4c39841d4ba54329b4fc6eee22c594.jpg
Bắc Ninh đào tạo nghề nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Cùng với đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có; nghề nông nghiệp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp; nghề phi nông nghiệp gắn với quy hoạch sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp được khuyến khích tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, giúp người dân chuyển đổi từ tâm lý học nghề theo phong trào sang học nghề để tìm việc làm, nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất, thu nhập cao hơn …

Giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu đào tạo trên 15 nghìn lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, rút ngắn tỷ lệ lao động qua đào tạo giữa khu vực nông thôn và thành thị, phát triển nguồn nhân lực nông thôn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo ra nhiều việc làm mới. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động chưa qua đào tạo, giúp họ có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động.

Việt Anh