Xã hội

Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân

Phạm Hoạch 27/05/2024 18:08

(TN&MT) - Những năm qua, Sở TN&MT tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là người dân vùng ven biển.

Để chia sẻ cách làm hiệu quả này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh.

anh-mt-01.jpg
Ông Nguyễn Như Hạnh- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh

Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai những giải pháp gì và đạt được kết quả như thế nào trong việc bảo vệ môi trường biển, nhất là vùng ven bờ?

Ông Nguyễn Như Hạnh: Quảng Ninh là tỉnh có tới 9/13 đơn vị cấp huyện nằm ven biển, chiếm 73,8% dân số và đóng góp 84,9% tổng số thu ngân sách từ các địa phương của địa phương, tỷ trọng bình quân giá trị gia tăng của các ngành kinh tế biển chiếm trên dưới 20%.

Nhận thức được việc phát triển kinh tế biển thì phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện, hiệu chỉnh quy hoạch ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời hoàn thành Quy hoạch phương án, đề án NTTS.

Một trong những giải pháp mà Quảng Ninh quyết tâm thực hiện để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững đó là xây dựng một ngư trường xanh với nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú, tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ ngư dân đang hàng ngày bám biển. Cũng như đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý với việc bố trí, sắp xếp các vùng nuôi an toàn, khoa học, phù hợp với các quy hoạch nhằm thu hút đầu tư, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vai trò kinh tế biển, bảo vệ môi trường trong NTTS.

Hàng năm, Quảng Ninh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác môi trường, cao hơn mức quy định của Trung ương là không dưới 1% tổng chi ngân sách địa phương. Hiệu quả đầu tư của 160 trạm quan trắc môi trường tự động đã góp phần giám sát, kịp thời cảnh báo hiện tượng ô nhiễm môi trường tại các địa phương, doanh nghiệp, thực sự là một công cụ giám sát hiệu quả của cơ quan quản lý cũng như có sự giám sát và theo dõi của người dân. Trên địa bàn toàn tỉnh có trên 6,1 triệu phao xốp được sử dụng trong NTTS, đến nay đã thực hiện thay thế, chuyển đổi vật liệu nổi đạt 98,5%.

anh-mt-02.jpg
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và tỉnh Quảng Ninh cùng người dân tham gia thả cá giống về biển tại huyện Vân Đồn nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản

Khuyến khích các doanh nghiệp, người dân triển khai các mô hình dự án NTTS bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên vịnh Hạ Long, mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã kết hợp cùng người dân tham gia các hoạt động trải nghiệm cảnh quan tự nhiên, văn hóa tại khu vực Cửa Vạn và Ba Hang.

Đây là những cơ sở quan trọng, mang tính chiến lược, định hướng lâu dài, xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh, qua đó giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng về bảo vệ môi trường, cải thiện rõ nét chất lượng môi trường thời gian qua. Điều này góp phần quan trọng vào bảo vệ đa dạng hệ sinh thái biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững, giúp người dân nâng cao đời sống.

Phóng viên: Hiện nay, Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc phát triển nghề nuôi biển nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ven biển, hải đảo, vậy theo ông cần quan tâm đến những vấn đề gì để đảm bảo hài hòa giữa nuôi trồng với bảo vệ môi trường biển?

Ông Nguyễn Như Hạnh: Tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch trên 45.000ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển. Tháng 4 vừa qua, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã cấp phép NTTS cho 6 HTX, doanh nghiệp, cho thấy quan điểm tiên phong các phương thức nuôi công nghệ hiện đại, tiên tiến đảm bảo có kiểm soát theo hướng giảm mật độ nuôi của tỉnh.

Hiện nay, Quảng Ninh đang tổ chức nuôi biển trên cơ sở sức tải môi trường. Trong vùng 3 hải lý theo hướng giảm quy mô, mật độ nuôi nhằm tạo sinh kế, sắp xếp ổn định người nuôi, chủ tàu cá chuyển đổi sang nuôi trồng, cũng như kết hợp giữa dân sinh kết hợp với vùng thu hút doanh nghiệp để phát triển nuôi theo chuỗi giá trị. Bố trí sắp xếp hợp lý vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý dựa trên sức tải môi trường, hướng tới phát triển nuôi biển công nghiệp, đầu tư nuôi biển quy mô lớn, công nghệ cao tại vùng ngoài 6 hải lý.

Đồng thời, ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong chuỗi sản xuất thuỷ sản, cũng như các công nghệ nuôi sử dụng diện tích sản xuất ít nhất, chi phí thấp nhất, năng suất và bảo vệ môi trường tốt nhất.

anh-mt-03.jpg
Ban Quản lý vịnh Hạ Long thường xuyên triển khai hoạt động vớt, thu gom rác trên vịnh góp phần bảo vệ môi trường biển

Khuyến khích doanh nghiệp, người dân thiết kế mô hình mẫu nuôi biển có kiến trúc toàn diện, đạt chuẩn, có độ bền và tính thẩm mỹ cao bảo đảm tính hiệu quả, an toàn, hài hoà và thân thiện với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với từng đối tượng nuôi để thống nhất áp dụng trước tại vùng nuôi biển tập trung, các cơ sở nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm. Thông qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ven biển, hải đảo, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phóng viên: Thời gian tới, để bảo vệ môi trường biển, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, Quảng Ninh sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Hạnh: Quảng Ninh đang hướng tới nghề nuôi biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống luôn được địa phương quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả.

Trong đó, quản lý chặt chẽ bờ biển, các đảo đá, đảo đất trên các vịnh đảm bảo đúng Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và đảo, cũng như quy hoạch, quản lý sử dụng bền vững không gian biển, đảo theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, đặc biệt là TP.Hạ Long, các huyện Vân Đồn, Hải Hà và các lưu vực sông liên vùng, biên giới.

Chủ động bảo tồn hệ sinh thái và tái tạo phục hồi nguồn lợi thủy sản, tỉnh cũng đã hình thành các khu bảo tồn biển, nhất là khu vực Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long và Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; lập 15 khu bảo vệ nguồn lợi 10 loài thủy sản đặc hữu với diện tích trên 4.000ha.

Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, nâng cao giá trị sản xuất, đưa lĩnh vực thuỷ sản của Quảng Ninh ngày càng khởi sắc, phát triển bền vững và đạt giá trị cao, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững mà địa phương đã đề ra.

Trân trọng cám ơn ông!

Phạm Hoạch