Xã hội

Bắc Kạn: Đổi thay trong công tác giảm nghèo ở Pác Nặm

Mai Anh 27/05/2024 - 18:04

(TN&MT) - Là một trong hai huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, huyện Pác Nặm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đổi mới truyền thông, triển khai đầy đủ các chính sách giảm nghèo

Không chỉ tuyên truyền bằng loa truyền thanh, huyện Pác Nặm đã tổ chức các cuộc thi, các chương trình tìm hiểu về chính sách, chủ trương giảm nghèo bằng nhiều hình thức như trả lời trắc nghiệm, tiểu phẩm hài… thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội nông dân… ở các địa phương.

Năm 2023, Cuộc thi “Tìm hiểu chính sách pháp luật về giảm nghèo bền vững” của huyện đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên ở các xã trong huyện tham gia; qua đó, thông điệp về giảm nghèo bền vững đã được truyền tải một cách dễ nhớ, dễ hiểu, không khô cứng như các văn bản hành chính; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến với các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

Đáng chú ý, nhiều gia đình người Mông ở huyện nghèo Pác Nặm đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Ý nghĩa hơn khi việc xin thoát nghèo của họ xuất phát từ mong muốn nhường lại phần hỗ trợ cho những hộ khó khăn hơn. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, có những hộ mạnh dạn vay hàng chục triệu đồng vốn ưu đãi để chăn nuôi trâu, lợn nái, gà thả đồi và trồng thêm ngô, lúa; mua máy xay sát phục vụ gia đình và bà con trong bản.

dsc05639-7835.jpg
Người dân huyện Pác Nặm được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập

Năm 2023, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được huyện thực hiện đầy đủ, đảm bảo theo quy định; đặc biệt là việc triển khai các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết việc làm để hỗ trợ sinh kế cho người dân. Huyện cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản xuất... để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo.

Từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án phát triển chăn nuôi như: Thực hiện 2 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt bản địa với quy mô 400 con/chu kỳ sản xuất của 1 dự án; 1 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gà thịt với quy mô 6.000 con/chu kỳ sản xuất; tiếp nhận và tổ chức thực hiện với 58 danh mục các dự án phát triển sản xuất cộng đồng với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 96 tỷ đồng.

Nhằm tạo việc làm cho người lao động, huyện Pác Nặm đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho 1.739 lao động, đạt gần 134% kế hoạch; tạo việc làm mới tăng thêm cho 560 lao động, đạt 124% kế hoạch.

Công tác giảm nghèo được tăng cường chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án, đẩy mạnh phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo

Kết thúc năm 2023, toàn huyện giảm 3,16% hộ nghèo. Mặc dù chưa đạt kế hoạch song đây là nỗ lực lớn của huyện, do số hộ cận nghèo thiếu hụt một trong các chỉ số đo lường về mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, vệ sinh, tiếp cận thông tin...) dẫn đến phát sinh hộ nghèo mới; hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; một số nơi điều kiện tự nhiên và sản xuất không thuận lợi.

Đồng thời, một số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo; một số hộ không có đất sản xuất hoặc có người ốm đau bệnh nặng dài ngày… nên khó khăn trong việc giảm nghèo.

cong-bang-3804.jpg
Từ các chương trình, dự án và nguồn xã hội hóa, hạ tầng cơ sở các xã trên địa bàn huyện Pác Nặm từng bước hoàn thiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội

Năm 2024, các địa phương trên địa bàn huyện đã đặt ra chỉ tiêu và giải pháp cụ thể nhằm đạt được kết quả cao hơn. Cụ thể như, xã Công Bằng đặt mục tiêu phấn đấu giảm 29 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 51,7% giảm xuống còn 47,7%.

Để thực hiện chỉ tiêu trên, cùng với tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, xã Công Bằng đã phân công nhiệm vụ cụ thể trong theo dõi, hỗ trợ để giúp các hộ vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, địa phương triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án và nhân rộng mô hình giảm nghèo… để góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Toàn huyện cũng đặt ra mục tiêu giảm 4% hộ nghèo trở lên. Theo đó, huyện chủ trương tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hỗ trợ khác của Trung ương, của tỉnh; huy động tối đa nguồn lực của địa phương; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo. Cùng với đó, tập trung nguồn lực triển khai chính sách về đầu tư hạ tầng nông thôn, nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất… để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tổng nguồn vốn (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022, 2023 chuyển sang) phân bổ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Pác Nặm trong năm 2024 là trên 146 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 36 tỷ đồng. Sau khi được giao vốn, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án, tiểu dự án. Hiện hầu hết các dự án, tiểu dự án đang trong quá trình thực hiện.

Mai Anh