Biến đổi khí hậu

Lâm Đồng: Hỗ trợ người dân chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Đình Du 27/05/2024 - 18:00

(TN&MT) – Trước tình trạng ngày càng nóng lên của trái đất, đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH), Lâm Đồng đã chủ động hướng dẫn bà con ứng phó BĐKH, không để tái nghèo vì ảnh hưởng thời tiết cực đoan, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở nơi được mệnh danh là “nóc nhà Tây nguyên”.

anh-1.jpg
Một đoạn hồ Đan Kia ở thị trấn Lạc Dương khô nước

Khí hậu ngày càng… nóng

Do ảnh hưởng của BĐKH, nhiều năm qua một số khu vực ở Lâm Đồng khí hậu tăng cao, ngay cả thành phố Đà Lạt nhiều lúc thời tiết cũng trở nên oi bức. Mùa mưa có lượng mưa nhiều hơn, thời điểm mưa cũng thay đổi, mùa khô thì càng khô hạn. Du lịch đến Đà Lạt nhiều thời điểm không còn là nơi tránh nóng, tránh mưa theo mùa cho du khách mà còn làm gia tăng nguy cơ bị hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan. Có thể thấy BĐKH tác động trực tiếp đến sự phát triển của thành phố ngàn hoa rất rõ rệt. Không ít hoạt động du lịch bị ảnh hưởng đình trệ, thậm chí huỷ do điều kiện thời tiết xấu liên tiếp, bão lụt, lũ quét do BĐKH gây ra. Nhiều chương trình du lịch đến với khu vực Tây Nguyêy đã phải huỷ, hoãn hoặc chấm dứt giữa chừng do mưa bão.

BĐKH còn tác động trực tiếp đến hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của du lịch nhất là hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí. Vì đặc điểm phân bố tài nguyên du lịch và hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tập trung chủ yếu ở vùng đồi núi có độ dốc cao, nơi thường chịu ảnh hưởng của xói lở, lũ quét.

Tại thành phố Đà Lạt, BĐKH tác động đến du lịch, là sự đe dọa “nhiệt độ tăng - doanh thu giảm” cho địa phương. Sự gia tăng nhiệt độ khiến mùa nóng kéo dài hơn và mùa mưa thất thường. Trong khi đó thời gian tốt nhất cho khách du lịch đến từ nước ngoài là mùa thu, mùa đông và mùa xuân khi nhiệt độ từ 15-22 độ C. Điều này đã tác động không nhỏ tới doanh thu của toàn ngành du lịch Lâm Đồng.

Theo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, Đảng ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn có nhiều nổ lực trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó và thích ứng BĐKH, song vẫn gặp nhiều khó khăn. Về địa lý, Lâm Đồng là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt. Áp lực mất rừng và suy thoái rừng dù đã giảm về số vụ việc vi phạm, nhưng tính chất vụ việc phức tạp. Nguyên nhân là do lấy đất sản xuất vẫn là vấn đề nóng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong bối cảnh ứng phó với BĐKH. Nguồn kinh phí cho công tác ứng phó BĐKH, còn ít và chưa được đầu tư tập trung, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra và thiếu tính bền vững. Nhân lực tham gia công tác quản lý nhà nước và nghiên cứu chuyên môn về lĩnh vực chủ động ứng phó BĐKH còn thiếu. Công tác gìn giữ, tôn tạo và phát triển môi trường cảnh quan chưa tương xứng và theo kịp với tốc độ đô thị hóa.

anh-2.jpg
Biến đổi khí hậu khiến du lịch Đà Lạt bị ảnh hưởng

Chủ động thích ứng

Theo ông La Thiện Luân - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Lâm Đồng), nhận thức được công tác chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định sự phát triển bền vững của địa phương, công tác chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã được tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. Đồng thời đã xác định công tác tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Ban Bí thư đặc biệt là Nghị quyết 24-NQ/TW là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

“Tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương sớm ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH. Tỉnh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của địa phương về thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu. Đặc biệt trong những năm gần đây, các Sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai công tác chủ động ứng phó BĐKH và bảo vệ môi trường trong nhiều lĩnh vực. Theo đó, tập trung tuyên truyền giảm phát thải cho các cơ sở sản xuất và cộng đồng dân cư. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên có văn bản chỉ đạo phương án phòng chống và ứng phó thiên tai và các sự cố khi có thiên tai xảy ra”, ông Luân cho biết thêm.

Để ứng phó với tình trạng khí hậu nóng lên ở Lâm Đồng, đặc biệt là thành phố Đà Lạt, các chuyên gia về BĐKH đề xuất cần có những chính sách và hành động cụ thể từ chính quyền cũng như sự vào cuộc tích cực của cộng đồng người dân. Phải ưu tiên trồng rừng, hạn chế phát triển nhà lưới, nhà kính làm nông nghiệp trong nội đô, thận trọng hơn nữa trong vấn đề quy hoạch đô thị.

Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Bởi hiện nay tình trạng nóng lên là dấu hiệu cảnh báo về những tác động của BĐKH đối với khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, cần sớm có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của BĐKH. Đây chính là tiền đề quan trọng để tỉnh Lâm Đồng vươn lên hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.

Đình Du