Tài nguyên nước

Đề nghị quy hoạch xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Thu Bồn

Lan Anh 27/05/2024 - 17:21

Nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước, ngày 27/5, tại TP. Đà Nẵng, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo tham luận lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện hai địa phương Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên nước.

h.jpg
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà chủ trì Hội thảo.

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Nguyễn Hồng An cho rằng Báo cáo Quy hoạch Tài nguyên nước Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ TN&MT công bố cho thấy Vu Gia- Thu Bồn là 1 trong 10 lưu vực sông lớn nhất cả nước. Thế nhưng, tài nguyên nước của TP. Đà Nẵng luôn phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng gây mất an ninh nguồn nước.

Do đó, để đảm bảo an ninh nguồn nước cho thành phố, Đà Nẵng đề nghị một số giải pháp ưu tiên khi lập Quy hoạch là đưa vào quy hoạch nội dung khai thác nguồn nước sông Vu Gia tại thượng lưu hệ thống thủy lợi An Trạch hoặc sông Thu Bồn để cấp nước cho Đà Nẵng. Trước đó, tại quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã xác định nghiên cứu phân bổ nguồn nước tại sông Vu Gia hoặc sông Thu Bồn để xây dựng nhà máy mước mới với công suất 120.000m3/ngày đêm vào năm 2030 và nâng thành công suất 240.000m3/ngày đêm vào năm 2050.

h1.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Đồng thời, thực hiện công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế nhằm ổn định tỷ lệ phân lưu giữa sông Vu Gia và sông Thu Bồn và nâng cấp hệ thống thuỷ lợi An Trạch (gồm các đập dâng An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít, Hà Thanh).

Cùng với đó, cần xác định rõ nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước; các giải pháp để bảo vệ hiệu quả nguồn sinh thủy; phương án ứng phó khi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước trên toàn lưu vực; phương án đảm bảo an ninh nguồn nước trên toàn lưu vực, đánh giá trên cơ sở xác định các tình huống cực đoan, bất lợi nhất xảy ra cùng một lúc...

h2.jpg
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Nguyễn Hồng An đề xuất đưa vào nội dung quy học vị trí khai thác nước trên sông Thu Bồn

Phó Giám đốc Sở NN&PT NT tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước cập nhật danh mục các dự án ưu tiên trong Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được ban hành theo Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ) vào Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: đầu tư công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế, đập Vĩnh Điện; nâng cấp hệ thống các đập dâng An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít, Hà Thanh. Tuy nhiên, đối với công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế, không nên đặt ra mục tiêu về tỉ lệ phân lưu nước, mà chỉ cần vận hành bảo đảm cao trình mực nước cho các trạm bơm ở hạ lưu sông Vu Gia hoạt động được.

Đồng thời, cân nhắc xây dựng đập Vĩnh Điện, mà cần xem xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Thu Bồn là tối ưu, bảo đảm cấp nước cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, đưa vào nội dung quy hoạch đối với nhiệm vụ thành lập tổ chức quản lý, điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành, điều tiết các hồ thủy điện.

h3.jpg
Phó Giám đốc Sở NN&PT NT tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý đề nghị xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Thu Bồn

Góp ý tại hội thảo, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng đề nghị thành phố Đà Nẵng xây dựng trạm bơm ở khu vực thượng lưu cầu Giao Thủy cùng hệ thống đường ống để thu nước từ sông Thu Bồn về thành phố phục vụ cấp nước sạch. Tỉnh Quảng Nam cũng cần nghiên cứu khai thác nước sông Thu Bồn để cấp cho thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn, mà không phải xây dựng đập cứng ngăn sông Vĩnh Điện để bảo đảm tuyến giao thông thủy quan trọng trên sông này.

TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đề nghị các hồ thủy điện cuối sông Bung cần phát điện 1 tổ máy để duy trì thời gian xả nước với thời gian dài hơn trong ngày, thay vì xả nước nhanh để phát điện quả 2 tổ máy làm mực nước sông ở hạ lưu có biến động lớn, dẫn đến khó vận hành các máy bơm và các trạm bơm này cũng cần hạ thấp cao trình mực nước để dễ vận hành. Do tác động của các công trình nên lũ trên sông Vu Gia dễ lên mức báo động 3, cần xây dựng các cấp báo động lũ trên sông Yên ở thượng lưu đập dâng An Trạch vì các cấp báo động lũ ở sông Cẩm Lệ không còn phù hợp với thực tế; cần tăng dung tích phòng lũ ở các hồ thủy điện sau ngày 16/11 để chủ động điều tiết lũ...

h4.jpg
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên nước

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế đề nghị cần mở rộng ranh giới nước ngọt xuống hạ lưu các sông Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Cổ Cò để phục hồi màu xanh cho các vùng đất hai bên các sông.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà ghi nhận và mong các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tiếp tục có những ý kiến đóng góp để đơn vị hoàn thiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với thực tế và giải quyết dứt điểm tất cả các vấn đề tồn tại của lưu vực sông này thời gian qua cũng như dưới tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Lan Anh