Biến đổi khí hậu

Lạng Sơn: Quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, tạo sinh kế bền vững

Hoàng Nghĩa 27/05/2024 - 15:07

(TN&MT) - Hướng tới mục tiêu rừng được bảo vệ, phát triển một cách bền vững, chất lượng, hiệu quả của rừng mang lại ngày một nâng cao, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác trồng, phục hồi rừng, gắn với tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, cải thiện sinh kế của người dân sống nhờ vào rừng.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn.

PV: Là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hưng:

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn là một trong những khó khăn cho công tác quản lý, nhưng cũng là cơ hội, tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Với diện tích trên 602.400 ha quy hoạch đất lâm nghiệp, chiếm 72,5% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Đến hết năm 2023, diện tích đất có rừng toàn tỉnh khoảng 578.021 ha, gồm cả diện tích đã trồng rừng chưa thành rừng.

Xác định tầm quan trọng công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đối với kinh tế-xã hội- môi trường của tỉnh hiện nay, Chi cục luôn chủ động tham mưu ban hành, triển khai chủ trương, chính sách của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và xu hướng phát triển, hội nhập trong nước và quốc tế về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó nổi bật như Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 03/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2030; Quyết định số 234/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030...

Chỉ đạo các phòng, các đơn vị trực thuộc xây dựng, ban hành các kế hoạch chi tiết để phân công đến từng bộ phận, từng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn để triển khai có hiệu quả, chất lượng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, những người trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác lâm nghiệp, trực tiếp tuyên truyền, triển khai, hướng dẫn nhân dân bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển kinh tế đồi rừng.

20240522_081400.jpg
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hữu Hưng

PV: Ông có thể thông tin một số kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, gắn với công tác xóa đói, gmr nghèo nhờ trồng rừng trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Hữu Hưng:

Ngành Lâm nghiệp của tỉnh đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ từ mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc, xóa đói giảm nghèo cho người làm nghề rừng, sang mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, làm giàu từ rừng.

Trong những năm qua, diện tích trồng rừng của tỉnh đều trên 10.000 ha/năm, góp phần hình thành các vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ chủ lực của tỉnh như vùng Hồi lớn nhất cả nước với trên 40.000 ha, vùng Thông 137.000 ha, vùng Quế trên 9.000 ha, vùng Sở trên 3.500 ha, vùng sản xuất cây giống lâm nghiệp (gần 800 cơ sở sản xuất, sản lượng 250-300 triệu cây/năm.

Hiện có 266 cơ sở chế biến lâm sản, một số sản phẩm chủ lực như Hồi, Quế, nhựa Thông đã được chế biến sâu, xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, các thị trường khó tính khác như Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản.

Công tác cây giống lâm nghiệp tiếp tục được cải thiện, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa mục tiêu, các loài cây bản địa có giá trị cao về kinh tế, môi trường, đa dạng sinh học như Đinh, Lim, Lát, Nghiến, Giổi...được quan tâm.

Chi cục đã tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đúng quy định, góp phần quan trọng triển khai có hiệu quả các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Rừng cơ bản được quản lý, bảo vệ tốt; các vụ việc vi phạm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không để xảy ra điểm nóng.

Đặc biệt từ năm 2020, tỉnh đã triển khai nhiều nội dung mới mang tính đột phá như: thực hiện “Thí điểm cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn” với 4.600 ha rừng Thông, Keo đã được tổ chức quốc tế GFA cấp chứng chỉ; triển khai các mô hình trồng rừng gỗ lớn (50 ha trên địa bàn huyện Tràng Định, Lộc Bình); đã và đang hình thành 16 chuỗi liên kết sản phẩm lâm nghiệp về các phẩm gỗ, Quế, Hồi, nhựa Thông tại một số huyện: Chi Lăng, Tràng Định, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Đình Lập...

screenshot_20210804-073436_facebook.jpg
Lạng Sơn có tổng diện tích rừng lớn thứ 8 cả nước, tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 4 toàn quốc.

Với những nỗ lực cố gắng như trên, đến hết năm 2023, tỉnh Lạng Sơn có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước, tổng diện tích rừng lớn thứ 8 cả nước, tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 4 cả nước; trồng rừng trước đây phụ thuộc ngân sách nhà nước từ 80-90%, đến nay còn 20-30%;

PV: Thông qua công tác quản lý, bảo vệ rừng đã góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống nhờ rừng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hưng:

Lâm nghiệp đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ trong cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ nghề rừng cho người dân trong tỉnh.

Từ kết quả của công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, hàng năm toàn tỉnh chế biến gỗ được khoảng 126 nghìn m3 sản phẩm, ước tính tổng doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng. Giá trị các sản phẩm ngoài gỗ được nâng cao như: Hoa hồi 1.700 tỷ đồng/năm; nhựa Thông 1.800 tỷ đồng/năm; sản xuất giống 250 tỷ đồng/năm; một số sản phẩm lâm nghiệp khác như Sở, Quế, Sa nhân,.. ước đạt 4.000 tỷ đồng/năm.

Thấy được lợi ích mà rừng mang lại, người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Qua đó, nhiều hộ gia đình đã thực sự sống được từ nghề rừng, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

PV: Thưa ông, tỉnh Lạng Sơn đã đề ra những định hướng, giải pháp nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hữu Hưng:

Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Quyết định của tỉnh. Cụ thể sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp, đó là: Tham mưu ban hành, sửa đổi bổ sung một số chính sách hỗ trợ lâm nghiệp của tỉnh, trong đó khuyến khích, lựa chọn các doanh nghiệp lớn làm trung tâm liên kết chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu; tăng dần diện tích rừng đạt tiêu chuẩn cấp Chứng chỉ rừng; Tín chỉ Các bon; phát triển vùng trồng rừng tập trung các loài cây nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh của tỉnh và các loài cây gỗ lớn bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng;

img_20240523_083029.jpg
Kiểm lâm Lạng Sơn rà soát các vùng trọng điểm rừng có nguy cơ xâm hại cao, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tham mưu thực hiện tốt quy hoạch quốc gia về lĩnh vực lâm nghiệp, quy hoạch tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác, kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tác động đến rừng...làm thay đổi hiện trạng đất, hiện trạng rừng.

Tiếp tục nâng cao trình độ quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp các cấp. Xây dựng lực lượng Kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát các vùng trọng điểm rừng có nguy cơ xâm hại cao; kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Nghĩa