Môi trường

“Sống khỏe” nhờ rừng

Văn Dinh 27/05/2024 - 13:54

(TN&MT) -Từ sáng sớm, bà con huyện Lộc Hòa, Thừa Thiên - Huế đã lên đồi để chăm sóc rừng cây nằm trong khu vực đạt chuẩn quốc tế (FSG). Nắng vàng chiếu xuyên qua những tán rừng xanh ngắt, nụ cười trên môi, họ đang hăng hái chăm bón cho "nguồn sống" mới đang nẩy lộc đâm chồi trên vùng đất ngày nào toàn đất hoang, đồi núi trọc...Giờ đây rừng là nguồn sống, thu nhập ổn định từ rừng giúp bà con thoát ra khỏi nghèo khó, kinh tế khá giả, vươn lên làm giàu bền vững trên chính quê hương.

Mặt trời dần nhô lên cao, từ cầu Truồi ở Quốc lộ 1A, men theo tuyến bê tông ngược lên phía tây gần 10 km, xã Lộc Hòa (huyện Phú Lộc) hiện ra với màu xanh thẳm của rừng. Ở Lộc Hòa thời gian này để tìm gặp những người trong độ tuổi lao động làm nghề trồng rừng cũng hơi khó. Lộc Hòa là địa phương đang phát triển về nghề trồng rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) ở Thừa Thiên – Huế. Ngay từ sớm, bà con đã lên đồi, vào rẫy chăm nom, vun xới cho những cánh rừng keo, rừng tràm.

rung-hue-1.jpg
Rừng gỗ lớn ở Lộc Hòa đang phát triển

Bây giờ, người dân ở Lộc Hòa đều khấm khá nhờ rừng. Rất nhiều gia đình trước đây thuộc hộ nghèo nhưng nhờ trồng rừng, họ trả được nợ, xây nhà cao cửa rộng và còn trang bị phương tiện phục vụ trồng rừng.

Sau một hồi loay hoay hỏi thăm, chúng tôi gặp được anh Trần Ngọc Minh (50 tuổi, thôn An Hà) dưới tán rừng của gia đình. Anh Minh chia sẻ rằng, hồi xưa nghèo, không biết làm gì để có kinh tế; lúc ban đầu quyết định trồng rừng, anh cũng như bao người dân thật sự gặp khó, do thiếu kinh nghiệm, không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc... nên hiệu quả không cao, để kể ra cho hết những gian khó những năm tháng đầu trồng rừng thì không xuể. Sau đó, với trợ giúp của dự án WB3 (dự án trồng rừng kinh tế theo hộ gia đình bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới) về nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn mua giống chất lượng; gia đình anh Minh tiếp tục nỗ lực khai hoang đất để trồng rừng. Cùng với đó, anh Minh đã tham gia Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh, mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn FSC, nhờ đó rừng của gia đình đã được quản lý chặt chẽ, năng suất và chất lượng gỗ được nâng cao.

“Hiện nhà tôi có 20 hecta rừng, trong đó 10 hecta rừng FSC, thu nhập mỗi năm khoảng 400 triệu đồng. Rừng gỗ lớn lợi nhuận gấp 2,5 lần so với gỗ dăm, giúp gia đình có thu nhập tốt, xây được nhà cửa khang trang sau bao nhiêu năm sống chật vật, con cái được học hành đầy đủ, sắm sửa nhiều phương tiện...Có thể nói, cuộc sống gia đình thay đổi, dư dã hơn nhiều”, anh Minh nói.

rung-hue-2.jpg
Anh Trần Ngọc Minh bên những tán rừng của gia đình

Ông Nguyễn Hữu Thuận – Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa nói rằng, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của xã đã tuyên truyền người dân chú trọng đầu tư, phát triển rừng trồng gỗ lớn và rừng có chứng chỉ FSC để tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế rừng để hướng đến giảm nghèo bền vững theo các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo của tỉnh, của huyện và của xã đang phấn đấu. Đến nay, người dân trên địa bàn tham gia trồng rừng gỗ lớn với diện tích 167 hecta, trong đó có nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn... Nhờ thế đến hết năm 2023, xã chỉ còn 16 hộ nghèo, tỷ lệ 1,78 %.

Cũng tại huyện Phú Lộc, năm 2018, Hợp tác xã (HXT) Hòa Lộc được thành lập theo mô hình lâm nghiệp bền vững nhằm hỗ trợ người dân trong việc trồng rừng đạt chuẩn FSC.

Ông Hồ Đa Thê - Giám đốc HTX Hòa Lộc cho biết, HTX là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức sản xuất trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC trên cơ sở chi hội thành lập và phát triển từ năm 2012, ban đầu triển khai thí điểm 30 hecta rừng FSC. Sau khi thành lập HTX, các thành viên tham gia góp vốn để đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến gỗ. Đến nay, HTX đang có 25 xã viên với 678 hecta rừng FSC, đã xây dựng được chuỗi giá trị từ gieo ươm cây giống, trồng và chăm sóc rừng, thu mua và chế biến gỗ rừng trồng. Hoạt động chuyên nghiệp nên HTX nhanh chóng thu hút được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Mô hình rừng FSC của HTX Hòa Lộc trở thành “điểm sáng”, là nơi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của những người trồng rừng trong và ngoài nước.

“Gỗ rừng để được cấp chứng chỉ không hề đơn giản, phải đạt các tiêu chí, nguyên tắc nghiêm ngặt. Đây là loại gỗ có giá trị kinh tế cao, xã viên HTX thu lợi lớn. Ở đây có vùng gò đồi Bến Ván là nơi trồng rừng FSC trọng điểm của huyện. Rừng ở đây có giá trị trung bình 250 triệu đồng/hecta, thậm chí có lô rừng đạt giá trị đến 350 triệu đồng/hecta. Nếu tính theo thời gian của chu kỳ trồng thì hiệu quả kinh tế rừng gỗ lớn cao hơn rừng gỗ nhỏ khoảng 40 – 50 %. Ngày càng có nhiều người ở địa phương trở nên khấm khá từ rừng. Nhà tôi đang có 30 hecta rừng FSC, thu nhập khoảng 300 triệu/hecta mỗi chu kỳ trồng” - ông Thê nói.

rung-hue-3.jpg
Đời sống người dân khởi sắc nhờ trồng rừng FSC

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế người dân, mà còn chuyển đổi sang hướng phát triển xanh bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Sau nhiều năm tìm hiểu, ông Trần Đình Thao ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) tham gia HTX lâm nghiệp bền vững Phong Mỹ (thành lập năm 2018) và chuyển sang trồng rừng FSC với diện tích 3 hecta. Ông Thao nhận thấy rằng, người trồng rừng FSC thường xuyên được nhà nước tập huấn, hướng dẫn.

Trong quá trình chăm sóc rừng không dùng thuốc trừ cỏ, không vứt bừa bãi rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, trước khi trồng không đốt thực bì. Rừng phải có yếu tố bảo vệ được dòng chảy tự nhiên, không được sử dụng hóa chất, khai thác đúng quy trình, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Đối với rừng gỗ nhỏ sau khai thác, phải mất ít nhất 2 năm cây rừng mới phát triển để tăng độ che phủ rừng, còn rừng gỗ lớn FSC khi khai thác cũng có chọn lựa nên vẫn giữ được độ che phủ để hạn chế lũ lụt...

rung-hue-4.jpg
Các vườn ươm cây giống thân thiện môi trường

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh, hiện tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu cơ chế chính sách để hỗ trợ nguồn lực trong phạm vi thực hiện; tập trung ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án vào nhiệm vụ phát triển rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng; góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm phát thải.

Xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các nguồn giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; ưu tiên lựa chọn các giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Rà soát quy hoạch quỹ đất trồng rừng sản xuất gỗ lớn các loài cây trồng rừng kinh tế phù hợp với điều kiện lập địa theo từng vùng sinh thái.

“Tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất và thị trường; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất gỗ lớn tập trung. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả của trồng rừng sản xuất gỗ lớn, phối hợp với các địa phương vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC một cách có hiệu quả, qua đó góp phần vào việc nâng cao cuộc sống người dân, nỗ lực giảm nghèo bền vững” ông Minh khẳng định.

rung-hue-5.jpg
Những cánh rừng ở Thừa Thiên – Huế phủ xanh bạt ngàn, giúp bà con giảm nghèo bền vững

Ngày qua ngày, những cánh rừng gỗ lớn ở Thừa Thiên – Huế vẫn tràn đầy sức sống, phủ xanh bạt ngàn, bà con nông dân chăm chỉ săn sóc từng gốc cây, với hi vọng loài cây được xem là “vàng xanh” này luôn cho thu nhập ổn định, mang lại no ấm, giàu sang...

Thừa Thiên – Huế đang có hơn 7.600 hecta rừng FSC, ngoài ra đã thành lập 25 HTX lâm nghiệp bền vững với khoảng gần 3.000 hecta rừng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC

Văn Dinh