Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 27/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
2 phương án về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần (điểm đ khoản 1 Điều 74 và điểm đ khoản 1 Điều 107), tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.
Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13).
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Bối cảnh và yêu cầu đặt ra khi xây dựng các phương án về bảo hiểm xã hội một lần phải bảo đảm mục tiêu kép, vừa thể chế hóa mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, vừa hài hòa quyền lợi của người lao động, phù hợp với thực tiễn và nguyên lý của bảo hiểm xã hội.
Mặc dù hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là những phương án tối ưu, có thể chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chưa dự kiến phòng ngừa được phản ứng tập thể người lao động, song đây đang là các phương án chiếm ưu thế, nhất là Phương án 1.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, có ý kiến đồng tình với Phương án 2 để không tạo “lát cắt” giữa đối tượng tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực. Ý kiến khác đề nghị tích hợp Phương án 2 vào nhóm 2 của Phương án 1, theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ sau ngày 1/7/2025 đến 30/6/2030 thì vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo lộ trình giảm dần.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, hạn chế tối đa việc người lao động phải lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì dù lựa chọn phương án nào, Chính phủ cũng cần quan tâm một số nội dung sau:
Sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được vay vốn tín dụng theo các cơ chế, chính sách đặc thù khi gặp khó khăn; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm để duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam cần tăng cường trách nhiệm, đổi mới công tác tuyên truyền để giúp người lao động nhận thức rõ hơn các hạn chế của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn với hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm
Về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý (các điều 37, 38, 39 và 40), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhằm khắc phục tình trạng khó khăn trong việc xác định tính chất, mức độ vi phạm đối với hành vi “chậm đóng bảo hiểm xã hội” và hành vi “trốn đóng bảo hiểm xã hội” để có biện pháp xử lý phù hợp, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thể hiện tại các điều 37, 38, 39 và 40.
Đối với quy định chế tài xử lý các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý như quy định tại Điều 39, Điều 40 của dự thảo Luật, trong đó, chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn do chưa thống nhất với quy định của pháp luật về thuế và chế tài này đồng nghĩa với với việc dừng hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp tới cả doanh nghiệp và người lao động.
Về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Điều 41), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 41 quy định cơ chế “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động và đề ra phương thức giải quyết hưởng chế độ trong một số trường hợp cụ thể (các khoản 1, 2, 3 và 4) và với một số đối tượng đặc thù (khoản 5).
Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn về quy định tại khoản 5 do đây là chính sách mới, liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động và cần có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước nên phải được nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, rà soát từng trường hợp, điều kiện cụ thể để đưa ra giải pháp phù hợp.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, chưa nên quy định ngay trong Luật mà nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, nếu thấy cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để thực hiện thí điểm nhằm giải quyết các tình huống cá biệt, cấp bách, bảo đảm quyền lợi của người lao động và phù hợp với điều kiện thực tế.
Đối với nội dung về đối tượng chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (điểm m khoản 1 Điều 3), theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh” khi chưa dự liệu đầy đủ các phát sinh, mối liên quan giữa các chế độ là sẽ rất khó để có thể thực hiện được. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tại khoản 1 của Điều 3 theo hướng “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh”; đồng thời, quy định tại khoản 2 Điều 27 về thời hạn chủ hộ kinh doanh phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.