Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Trước đó, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sáng nay, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều, đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011.
Theo đó, liên quan đến quy định về lưu trữ tài liệu điện tử tại Chương III của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định lộ trình thực hiện lưu trữ điện tử phù hợp với khả năng nguồn lực và lồng ghép nội dung lưu trữ điện tử vào các quy định có liên quan; có ý kiến đề nghị đối với tài liệu số lưu trữ vĩnh viễn thì in ra và đưa vào kho lưu trữ.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về nội dung này, UBTVQH cho rằng, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ số là yêu cầu khách quan, cần thiết để xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, kết cấu của dự thảo Luật được chỉnh lý không quy định chương riêng về lưu trữ điện tử mà lồng ghép vào Chương III (mới) về nghiệp vụ lưu trữ với 3 mục: Quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ; Nghiệp vụ lưu trữ tài liệu giấy và trên các vật mang tin khác; Nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, nhằm vừa bảo đảm tính thống nhất trong nghiệp vụ lưu trữ, vừa bảo đảm các quy định được rõ ràng, đầy đủ hơn cho từng loại hình tài liệu lưu trữ và giúp cho việc tổ chức thực hiện được dễ dàng, thuận lợi.
“Bên cạnh đó, Điều 22 của dự thảo Luật đã quy định lập tài liệu lưu trữ dự phòng đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn có nguy cơ bị hỏng nặng, do đó đề nghị không bổ sung quy định về chuyển tài liệu số sang tài liệu giấy để lưu trữ”, ông Bùi Văn Cường giải trình.
Đối với nội dung về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tại Điều 9 và Điều 10 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.
Theo ông Bùi Văn Cường, UBTVQH nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn.
Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã rất hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát.
"Vì vậy, xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật), đồng thời chỉnh lý quy định tại Điều 18 về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất", ông Bùi Văn Cường thông tin.
Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, cụ thể: đối với tài liệu lưu trữ số, thời hạn tối đa là 30 tháng; đối với tài liệu lưu trữ giấy, thời hạn tối đa là 5 năm, tính từ năm kết thúc công việc.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số (khoản 3 Điều 17 của dự thảo Luật) với các lý do: Việc rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ; Hạn chế tình trạng thất thoát tài liệu lưu trữ vĩnh viễn và giúp bảo quản tài liệu lưu trữ tốt hơn; Tài liệu chứa bí mật nhà nước chỉ được nộp vào lưu trữ lịch sử sau khi đã được giải mật (khoản 6 Điều 17)…
Sau báo cáo giải trình, tiếp thu của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tiếp tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Dự kiến, Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp này.