Bất động sản

Dự án nhà ở xã hội chưa thu hút được người vay

Thùy Linh 24/05/2024 - 11:16

(TN&MT) - Hiện nay trên thị trường bất động sản đang thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Mặc dù Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ người mua nhà, chủ đầu tư dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội xong việc giải ngân vẫn chưa thu hút được các thành phần này tham gia.

Gói tín dụng 120.000 nghìn tỷ mới giải ngân được 83 tỷ đồng

Trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, việc triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên, việc giải ngân còn chậm. Việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Đến nay đã có 129 dự án nhà ở xã hội với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.

Ngoài ra, giải ngân chậm do một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng, không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…

image00120240112143636.jpg
Nhiều người dân chưa tiếp cận được với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng do thủ tục vay phức tạp.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng lãi suất cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên “chưa thực sự thu hút người vay”.Các đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang.

Sớm tìm ra giải pháp

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp. Chính vì vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân rất mong mỏi, chờ đợi điều này.

Vì vậy, để gói vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư dự án. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung bố trí quỹ đất, sớm công bố danh mục các dự án để những đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận vốn vay.

Theo phản ánh của nhiều người mua nhà, vướng mắc nhất hiện này là quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. Còn về phía doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera cho rằng, các quy định về đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi kinh doanh loại hình này.

Do đó, "cần sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội."

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây chỉ là một gói tín dụng mang tính tự nguyện nên tính pháp lý không cao. Mức giảm lãi suất công bố 1,5% với chủ đầu tư và 2% với người mua nhà nhưng trên thực tế lãi cho vay vẫn còn khá cao, chưa đủ để hấp dẫn. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.

“Với các cá nhân được hưởng ưu đãi của gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội, cần quy định rõ bao nhiêu điều kiện, những điều kiện đó là gì, thời hạn vay ra sao, mức độ vay thế nào? Nếu thời hạn vay kéo dài từ 20 đến 25 năm được giảm lãi suất là một khoản lớn, nhưng chỉ áp dụng 3- 5 năm thì không được bao nhiêu”, ông Thịnh nói.

Thùy Linh