Biển đảo

Quảng Nam: Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm đổi thay “ngoạn mục” sau 15 năm

Lan Anh 24/05/2024 - 10:08

Hưởng ứng “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia năm 2024”, “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” thực thi “Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal” tại Việt Nam, tối 23/5, tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), UBND TP. Hội An tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới (26/5/2009 - 26/5/2024).

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An được Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của UNESCO công nhận vào ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju - Hàn Quốc bởi những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.

clc2.jpg
Đại diện Bộ TN&MT tặng hoa chúc mừng TP.Hội An.

Các giá trị đặc trưng, nổi trội đó là: Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; phố cổ Hội An - Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; hệ thống rừng phòng hộ ven biển; các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.

Theo nhận định của UNESCO, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đúng như sứ mệnh và tên gọi Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn kết nối với quần đảo Cù Lao Chàm,có đại diện đầy đủ các kiểu hệ hệ sinh thái tự nhiên dọc theo các nhánh sông, vùng ven biển ra đến quần đảo Cù Lao Chàm đã tạo ra cảnh quan sinh thái trên cạn, dưới nước, bao bọc lấy Phố cổ Hội An và tạo nên một Khu sinh quyển rất đặc trưng về sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

clc1.jpg
Trao tặng giấy khen cho những cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An

Danh hiệu Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là sự ghi nhận của cộng đồng thế giới về những nỗ lực vượt bậc của thành phố Hội An trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Từ một xã đảo nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt, tài nguyên trên rừng, dưới biển bị khai thác không kiểm soát, rác thải khắp nơi, mỗi năm Tân Hiệp phải tiếp nhận hàng cứu trợ vào cuối năm… Tuy nhiên, sau 15 năm kể từ khi trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, xã đảo đã chuyển mình toàn diện, không những thoát nghèo thành công mà còn vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập; công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đạt được nhiều thành tựu, trở thành "viên ngọc quý" tỏa sáng trong hành trình của du khách thập phương.

clc5.jpg
Cù Lao Chàm - "viên ngọc xanh" của Việt Nam

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, khẳng định: Cù Lao Chàm là một trong những khu vực đầu tiên trong cả nước thực hiện việc kiểm toán rác thải trong khu dân cư, chợ, các khu công cộng và cả trên các tàu thuyền khai thác thủy sản. Chương trình đong đầy cơ sở phục hồi tài nguyên đã làm ra các sản phẩm từ rác thải như: nước rửa chén, nước lau sàn nhà, phân bón hữu cơ và nhiều sản phẩm hữu dụng , thân thiện với môi trường và an toàn với con người,… đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân và du khách đến đảo.

Tất cả việc làm trên cùng với sự thân thiện, mến khách của người dân miền biển đã tạo nên một Cù Lao Chàm rất riêng, rất đặc trưng mà không phải nơi nào cũng thực hiện được.

“Danh hiệu Khu sinh quyển đã thôi thúc chính quyền và người dân nỗ lực hết mình để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển và từng bước chuyển đổi sinh kế người dân từ khai thác thủy sản bấp bênh sang dịch vụ du lịch sinh thái một cách bền vững”, ông Hùng nhìn nhận.

img_0366.jpg
Gần 15 năm nay, người dân Cù Lao Chàm đã "nói không với túi ni lông"

Nhân dịp này, từ 22/5 đến 3/6 mọi người khi đến với với Cù Lao Chàm còn được trải ngiệm một số hoạt động hết sức da dạng, phong phú và đặc sắc, bao gồm: Triển lãm ảnh về đa dạng sinh học và nỗ lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường tại Khu sinh quyển; Chương trình Văn nghệ “Xanh mãi Cù Lao”; Hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống Đan Võng Ngô đồng, bánh ít lá gai, đan lưới cùng ngư dân...

rua2.jpg
Từ chỗ bắt rùa, thu trứng rùa để ăn thì đến nay người dân Cù Lao Chàm đã chung tay, góp sức trong công cuộc bảo vệ và tái phục hồi loài bò sát cổ cực kỳ quý hiếm này.

Được biết, năm 2009, Cù Lao Chàm trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phát động chiến dịch “Nói không với túi ni lông”. Đến năm 2018, đây tiếp tục là địa phương đi đầu trong việc triển khai cam kết cộng đồng “Nói không với ống hút nhựa”. Ngoài ra, Hội An còn nổi tiếng bởi có nhiều lễ hội, nghề truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tết Trung thu, Tết Nguyên tiêu, nghề làm Nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh,…

Lan Anh