Bạn đọc - Pháp luật

Như Thanh (Thanh Hóa): Cần xóa bỏ các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát

Mai Trúc 23/05/2024 - 17:22

Xác định việc xử lý dứt điểm là một trong những chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, song trên địa bàn huyện Như Thanh vẫn đang còn tồn tại những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý khi các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hàng loạt điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát

Thời gian qua, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của người dân huyện Như Thanh (Thanh Hóa) về tình trạng hàng loạt các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn đang hoạt động và xây dựng khi chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ về đất đai, xây dựng và môi trường.

Do vị trí hoạt động của các điểm thu mua, xưởng chế biến gỗ keo gần khu dân cư, đường tỉnh lộ, xây dựng trên một phần đất ở, đa phần trên đất trông cây lâu năm và đất nông nghiệp, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đấu nối nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và thất thoát nguồn thu thuế từ đất đai. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý chất thải, nước thải không được các đơn vị đầu tư bài bản và chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

a1.jpg
Điểm thu mua, tập kết gỗ keo của hộ gia đình ông Nguyễn Công Cừ, xã Cán Khê hoạt động gần trường học, tiềm ẩn nguy mất an toàn giao thông

Đơn cử như tại xã Cán Khê, có hai điểm thu mua tập kết gỗ keo có lắp bàn cân của gia đình ông Nguyễn Công Cừ thuộc thôn Đông, nằm ngay trên trục đường tỉnh lộ và chỉ cách trường học hơn 100m. Đáng chú ý, điểm thu mua gỗ keo này chủ yếu hoạt động vào giờ tan học, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho phu huynh và các cháu học sinh… Cũng tại thôn 3, xã Cán Khê có xưởng chế biến gỗ keo của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Vương đã hoạt động được một thời gian dài, xung quanh khu đất nước thải từ gỗ chảy tràn lan.

Di chuyển lên địa bàn thôn Đồng Bớp, xã Mậu Lâm, tại đây xuất hiện 02 điểm thu mua keo của hộ gia đình ông Hải và ông Hùng có lắp trạm cân. Mỗi ngày các lượt xe cỡ lớn ra vào bốc xếp gỗ keo, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và môi trường. Tại xã Phượng Nghi cũng đang tồn tại một điểm thu mua gỗ keo của hộ gia đình ông Lai, trên khu đất rộng hàng trăm mét vuông đang được tập kết nhiều khối gỗ keo nằm thành đống.

a2a.jpg
a2b.jpg
02 điểm thu mua gỗ keo tại xã Mậu Lâm chưa đăng ký biến động đất đai, gây ảnh hưởng đến môi trường

Tiếp tục ghi nhận tại một số xã trên địa bàn huyện Như Thanh, phóng viên không khỏi bất ngờ trước những cơ sở chế biến gỗ keo tự phát với quy mô lớn. Tại khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung có xưởng thu mua, chế biến lâm sản của Công ty TNHH sản xuất, chế biến lâm sản Tân Tiến. Thôn Khe Sình, xã Phú Nhuận có xưởng thu mua, chế biến gỗ keo của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thân.

Đây là 02 cơ sở chế biến lâm sản có diện tích rộng hàng nghìn mét vuông, bao gồm xưởng bóc và khu vực phơi ván gỗ lớn, trạm cân, khu để nguyên liệu, khu tập kết rác gỗ. Theo ghi nhận, 02 cơ sở vẫn hoạt động bình thường khi máy móc, thiết bị và công nhân đang sản xuất. Lượng rác thải từ vỏ cây keo sau khi được bóc tách đã bị 02 đơn vị này tập kết thành đống, nằm tràn lan trong khu viên nhà xưởng.

a3.jpg
Xưởng thu mua, chế biến lâm sản của Công ty TNHH sản xuất, chế biến lâm sản Tân Tiến, thị trấn Bến Sung trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông vẫn đang hoạt động

Tương tự, tại xã Xuân Phúc, có 02 xưởng chế biến gỗ keo của hộ gia đình ông Dương Đình Sơn, thôn Bái Thất và Công ty TNHH sản xuất Hoàng Phát Như Thanh, thôn Phúc Minh. 02 đơn vị này hiện đã bị xử phạt, đình chỉ hoạt động và trả lại hiện trạng đất như ban đầu. Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên tại hiện trường vẫn còn trang thiết bị, gỗ keo vẫn còn tập kết trên đất. Đặc biệt, vị trí hoạt động xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất Hoàng Phát Như Thanh nằm cạnh con suối, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Tỉnh yêu cầu xử lý dứt điểm

Trước tình trạng trên, ngày 10/05/2024, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành văn bản số 5022-CV/VPTU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh.

a4.jpg
Xưởng thu mua, chế biến gỗ keo của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thân, xã Phú Nhuận vẫn bóc tách gỗ keo, chưa trả lại hiện trạng đất như ban đầu

Văn bản nêu rõ, giao Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh chỉ đạo UBND huyện triển khai thực hiện ngay nội dung kiến nghị của Sở NN&PTNT tại Báo cáo sô 148/BC-SNN&PTNT ngày 6/05/2024; khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

a5a.jpg
a5b.jpg
Khu vực chế biến gỗ keo của Công ty TNHH sản xuất Hoàng Phát Như Thanh, xã Xuân Phúc nằm cạnh con suối chưa trả lại hiện trạng đất như ban đầu

Đồng thời, địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm thì đồng chí Bí thư Huyện ủy, đồng chí Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngày 16/05/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 6800/UBND-NN về việc tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm túc, dứt điểm các vi phạm tại các điểm thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn tỉnh.

z5468409635032_b5ef09f4035ff837b4b5a3049f5c6686.jpg

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Văn bản số 5022-CV/VPTU ngày 10/5/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh.

capture111.png
Công văn chỉ đạo xử lý dứt điểm các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh Thanh Hóa

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, tiếp tục chủ trỉ ,phối phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh và các đơn vị liên quan, tiếp tục rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm về lâm nghiệp, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh lao động… (nếu có) liên quan đến các điểm thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn theo đúng quy định và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Qua kiểm tra đã phát hiện hơn 30 cơ sở thu mua, chế biến keo tự phát. Tiến hành xử phạt hơn 10 đơn vị với số tiền hơn 200 triệu đồng, một số điểm phải yêu cầu tháo dỡ và trả lại nguyên trạng. Đối với các cơ sở xây dựng trên diện tích đất ở, nếu hoạt động phải tiến hành đăng ký biến động đất đai, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Mai Trúc