Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam: Xử lý, giám sát nghiêm ngặt nguồn nước thải

Kông Nguyên 23/05/2024 - 14:11

Theo World Bank, ô nhiễm nguồn nước có thể làm giảm khoảng 3,5% GDP Việt Nam vào năm 2035. Là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực an toàn, môi trường, để góp phần giảm thiểu ô nhiễm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã yêu cầu các đơn vị thành viên nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý, xử lý nước thải; đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, lắp đặt hệ thống giám sát tự động chất lượng nước thải.

Ở Petrovietnam, nhiệm vụ bảo vệ môi trường không đơn thuần như các ngành khác bởi trong hoạt động dầu khí phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như: Ứng phó sự cố tràn dầu; xử lý dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển; quản lý chất thải đối với các hoạt động dầu khí trên biển; xử lý khí thải, nước thải trong công nghiệp lọc - hóa dầu, đạm, hóa phẩm dầu khí, công nghiệp sản xuất điện; xử lý nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển; xử lý môi trường khi thu dọn mỏ…

Để bảo vệ môi trường, Petrovietnam và các đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, ngay từ những mũi khoan thăm dò đầu tiên được thực hiện năm 1992, trong bối cảnh Việt Nam chưa có Luật Bảo vệ môi trường, Tập đoàn vẫn chủ động lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; tiến hành các đợt khảo sát môi trường cơ sở và môi trường sau khi khoan, trong quá trình khai thác dầu khí.

nguoi-lao-dong-dau-khi-va-phong-trao-lam-xanh-cong-trinh-bien..jpg
Người lao động Dầu khí và phong trào làm xanh công trình biển.

Theo báo cáo của Petrovietnam, tổng lượng nước thải phát sinh từ hoạt động của Tập đoàn khoảng 2.078,63 triệu m3 (năm 2022), trong đó chủ yếu là nước làm mát thải, nước thải công nghiệp. Toàn bộ 100% lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động của Tập đoàn đều được thu gom, xử lý và quản lý tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường trước khi thải ra ngoài môi trường.

Cụ thể, nước khai thác phát sinh từ các công trình khai thác dầu khí ngoài khơi chủ yếu ô nhiễm dầu được thu gom, xử lý hoàn toàn bằng công nghệ xử lý hai bậc bao gồm thiết bị tách thủy lực và thiết bị tách khí đảm bảo hàm lượng hydrocarbon (dầu) trong nước sau xử lý nhỏ hơn 40 mg/l, tuân theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 35:2010/BTNMT về nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển trước khi thải ra môi trường biển.

Nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt từ các nhà máy lọc - hóa - dầu, chế biến khí và nhiệt điện và nước thải sinh hoạt từ công nhân lao động chủ yếu ô nhiễm dầu, COD, BOD5, TSS, NH4+, phenol, kim loại nặng, Coliforms… được thu gom và xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải hiện đại bao gồm công đoạn xử lý hóa lý và sinh học đảm bảo nước thải sau xử lý tuân thủ theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp và QCVN 14:2008/BTNMT về nước thải sinh hoạt trước khi thải ra ngoài môi trường tiếp nhận.

Nước làm mát thải sẽ gia tăng nhiệt độ khoảng 8 - 10oC và hàm lượng Clo so với nước lấy vào. Nhiệt độ tăng và Clo dư sẽ gây tác động đến hệ sinh thái tại khu vực môi trường tiếp nhận. Vì thế, lượng nước làm mát thải luôn được kiểm soát nhiệt độ nhỏ hơn 40oC và Clo dư nhỏ hơn 1 mg/l trước khi thải ra ngoài môi trường tuân theo giới hạn thải cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 40:2011/BTNMT.

Một số nhà máy của Petrovietnam đã dành khoản kinh phí lớn để đầu tư hệ thống xử lý nước thải bậc cao. Đơn cử như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR) đã đầu tư 27,8 triệu USD cho hệ thống xử lý nước thải của nhà máy theo công nghệ tiên tiến, hiện đại của các nước G7. BSR đã xây dựng một hệ thống xử lý nước thải hiện đại, với công suất 560m3/giờ, bằng một tổ hợp khép kín. Nước thải được xử lý bằng công nghệ sinh học và hoá lý qua bể lắng, rồi đến bể lọc, các chất ô nhiễm được xử lý triệt để rồi mới xả ra hồ chứa.

khu-vuc-ho-chua-nuoc-thai-da-duoc-xu-ly-tai-nmld-dung-quat..jpg
Khu vực hồ chứa nước thải đã được xử lý tại NMLD Dung Quất.

Tại Nhà máy Đạm Cà Mau, để xử lý các nguồn nước thải trước khi cho thoát ra sông, Nhà máy Đạm Cà Mau sử dụng 3 hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu, xử lý nước thải nhiễm NH3 và xử lý nước thải sinh hoạt. Nước nhiễm dầu từ các xưởng công nghệ với lưu lượng bình quân 1,2m3/h (tùy theo mùa) được thu gom về bể chứa nước thải nhiễm dầu. Sau đó, nước nhiễm dầu sẽ được bơm đến thiết bị tách dầu, tại đây dầu trên bề mặt sẽ được tách ra và đưa đến bể chứa dầu thải. Nước đã tách dầu sơ bộ sẽ được đưa đến bể tuyển nổi có sử dụng hóa chất CaCl2 để phá nhũ tương dầu trong nước, với công nghệ tuyển nổi bằng khí hòa tan. Hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu của nhà máy có công suất thiết kế 100m3/h. Nước sạch sau khi ra khỏi hệ thống sẽ được phân tích nếu đạt tiêu chuẩn Việt Nam sẽ được bơm ra kênh xả chung. Trường hợp nước sau xử lý không đạt sẽ được tuần hoàn trở lại hệ thống để xử lý.

khu-vuc-he-thong-xu-ly-nuoc-thai-cua-nha-may-dam-ca-mau.jpg
Khu vực hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đạm Cà Mau

Ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ có 6 hệ thống xử lý nước thải khác nhau, trong đó 5 hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy sản xuất Ure và 1 hệ thống xử lý nước thải riêng biệt của xưởng sản xuất NPK. Các hệ thống xử lý nước thải có công suất thiết kế đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất và sinh hoạt của cán bộ công nhân viên. Hiện nay, 6 hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy sản xuất Ure hoạt động ổn định. Toàn bộ nước thải sau khi được xử lý bởi các hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy được xả ra hố ga tiếp nhận nước thải trên đường số 03, KCN Phú Mỹ 1 và được xử lý bởi hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Phú Mỹ I đảm bảo đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải trước khi thải ra môi trường.

Nước thải từ các tòa nhà văn phòng cũng được Petrovietnam yêu cầu các đơn vị vận hành các tòa nhà văn phòng thực hiện đầy đủ các yêu cầu về quản lý theo quy định của pháp luật. Toàn bộ nước thải phát sinh được thu gom, xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của các tòa nhà. Nước thải sẽ được xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung. Bên cạnh đó, đơn vị vận hành tòa nhà thường xuyên lấy mẫu, phân tích chất lượng nước thải 3 tháng/lần để giám sát chất lượng nước thải trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung.

Cùng với đó, để giảm lượng nước thải ra môi trường và lượng nước sử dụng, Petrovietnam và các đơn vị thành viên áp dụng biện pháp tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng nước. Cụ thể, Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 đã sử dụng công nghệ hệ thống nước làm mát tuần hoàn khép kín để giảm tối đa lượng nước thải ra ngoài môi trường. Nhà máy Điện Vũng Áng 1 đã tái sử dụng nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung để tưới cho khu vực lưu chứa tro, xỉ thải.

Bảo vệ môi trường nói chung, xử lý, giám sát nước thải ở các nhà máy, công trình của Petrovietnam nói riêng luôn được thực hiện bằng tinh thần và trách nhiệm của người Dầu khí. Những hành động vì môi trường, vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn thể hiện bản sắc văn hóa của một doanh nghiệp văn minh, hiện đại.

Kông Nguyên