Xã hội

Người có uy tín ở Văn Chấn (Yên Bái): Điểm tựa của người dân vùng cao

Thanh Ngà 23/05/2024 - 14:10

(TN&MT) - Người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số đã phát huy, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, vận động nhân dân các dân tộc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế. Họ được coi là lực lượng quần chúng đặc biệt, là “điểm tựa” của đồng bào DTTS.

Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên bái có trên 65% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong thời gian qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các DTTS của huyện Văn Chấn tin tưởng đường lối lãnh đạo của Đảng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Giúp người dân phát triển kinh tế

An Lương là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, thôn Sài Lương 3 là một thôn vùng cao của xã An Lương với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Là Bí thư Chi bộ ở thôn vùng cao của xã đặc biệt khó khăn, ông Giàng A Phử - Bí thư Chi bộ thôn Sài Lương 3 luôn hết mình giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ông Giàng A Phử chia sẻ: “Ở đây người dân khó khăn lắm, tôi đã cùng với các đồng chí đảng viên trong Chi bộ, các tổ chức đoàn thể của thôn tuyên truyền, vận động người dân cùng đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế như: Trồng rừng, trồng quế, trồng thảo quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, quản lý và bảo vệ diện tích rừng của Nhà nước. Đặc biệt là định canh, định cư, không di cư tự do, không trồng cây thuốc phiện, không tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật”.

anh-1(1).jpg
Ông Giàng A Phử luôn hết mình giúp người dân phát triển kinh tế.

Từ năm 2019 - 2024, ông Phử cùng Chi bộ đã vận động người dân trong thôn trồng trên 20ha quế. Cùng với đó, tiếp tục vận động người dân chăm sóc tốt diện tích quế đã trồng để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện làm nhà mới, mua sắm tiện nghi gia đình, phương tiện sản xuất, có điều kiện cho con cái đi học…Để người dân trong bản làm theo gia đình ông Phử cũng là một trong những hộ làm kinh tế giỏi, nhờ trồng cây, chăn nuôi mỗi năm gia đình ông cũng thu về từ 150-200 triệu/năm.

Chẳng những tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế, Bí thư Chi bộ Giàng A Phử còn tích cực vận động nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Ông Phử vận động hàng trăm ngày công lao động, tiền cùng làm đường giao thông.

Vẫn luôn xác định rõ vai trò của mình, ông Phử chia sẻ: “Với vai trò của mình tôi sẽ tiếp tục cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giảm hộ nghèo hàng năm từ 5 đến 10 hộ và tăng dần hộ khá, giàu. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Tham mưu cho chi ủy, chi bộ thôn, bản xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương thôn Sài Lương 3, xã An Lương, từng bước phát triển đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc”.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá

Ngoài những “điểm tựa” của đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế, còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc. Tấm gương đáng kể đến là ông Sa Công Hòa người thầy đã nghỉ hưu, một người con của đồng bào dân tộc Tày ở thôn Gốc Báng, xã Đồng Khê.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoà nặng lòng trăn trở: Hiện nay con em đồng bào dân tộc trong thôn cũng như trong huyện Văn Chấn nói chung rất ít cháu biết tiếng và chữ viết của dân tộc mình, cứ như vậy dần dần tiếng mẹ đẻ sẽ mai một, rồi đến lúc không ai còn biết tiếng.

Từ đó, ông Hoà đã đề xuất với với xã: “Các đảng viên phải có trách nhiệm dạy con trong gia đình học tiếng, giao tiếp thường xuyên bằng tiếng dân tộc mình song song với tiếng việt, tham gia cùng gìn giữ bản sắc dân tộc, đặc biệt là tiếng nói”.

z5468126967714_3af3ff7342ea020c1ae86abaa8b9924e.jpg
Ông Vì Văn Sang biểu diễn nhạc cụ dân tộc Khơ Mú tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn lần thứ IV - năm 2024.

Cùng với đó, ông Hòa đã mở lớp học tiếng dân tộc Tày vào tối thứ bảy hàng tuần. “Bản thân tôi đã tự trau dồi, tích luỹ thêm vốn từ, tiếng nói chuẩn của dân tộc Tày, tự học, tự nghiên cứu lại chữ từ bạn bè để truyền dạy và động viên khích lệ con em trong thôn không biết tiếng đi học. Tuy nhiên, lớp học vẫn còn rất nhiều khó khăn về thời gian, phương pháp truyền dạy, cũng như kinh phí để duy trì lớp học trong thời gian tới”, ông Hòa chia sẻ.

Nói đến giữ gìn bản sắc dân tộc, ông Vì Văn Sang - Nghệ nhân người Khơ Mú, người có uy tín thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn là tấm gương tiêu biểu trong việc bảo tồn những bản sắc văn hoá. Ông Sang là người am hiểu chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nắm được những bản sắc văn hóa của người Khơ Mú. Ông Vì Văn Sang đã tuyên truyền vận động người dân bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của cha ông. Trong thời gian qua, ông đã sưu tầm được 21 loại bản sắc văn hóa của dân tộc Khơ Mú, rong đó có dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục, tiếng nói, lễ hội, các trò chời dân gian… sưu tầm gần 100 loại các hiện vật sinh hoạt gia đình, các hiện vật lễ hội của dân tộc.

Trong các lễ hội quan trọng như: Lễ hội Cầu mùa, Cầu mưa, Chọc lỗ tra hạt, các trò chơi dân gian của người Khơ Mú ông đều là người đứng ra tổ chức và tham gia nhiều hội diễn, sự kiện văn hóa của xã, huyện tổ chức.

“Cá nhân tôi là người dân tộc Khơ Mú, được mời tham gia các Lễ hội truyền thống dân tộc Khơ Mú do các cấp, các ngành tổ chức, được giao lưu tại các lễ hội khác nhau, dân tộc khác nhau. Bản thân tôi nhận thấy, giá trị cốt lõi bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc rất quý, cần giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống. Đó là tài sản vô giá cho con cháu đời sau”, ông Vì Văn Sang chia sẻ.

Có thể thấy, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số dù ở vị trí, vai trò khác nhau, nhưng những người như ông Phử, ông Sang, ông Hòa đều tích cực trong các phong trào và vì lợi ích chung với mong muốn được cống hiến, được góp sức mình vì sự phát triển của thôn bản góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thanh Ngà