Luật Đất đai 2024: Tăng hiệu quả sử dụng đất
(TN&MT) - Để gia tăng hiệu quả sử dụng đất, Luật Đất đai 2024 đã có quy định mới về việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích; tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế
Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đã yêu cầu: "Bổ sung, hoàn thiện các quy định đối với quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh trên cơ sở tổng kết việc thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế. Bổ sung các quy định về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh. Quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển."
Thể chế hóa nội dung này của Nghị quyết, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định. Cụ thể, Luật đã hoàn thiện quy định về chế độ sử dụng đất quốc phòng, an ninh và bổ sung 1 điều quy định sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Theo đó, Luật cho phép đơn vị quân đội, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; doanh nghiệp nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao quản lý được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh theo phương án sử dụng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, phê duyệt và phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm. Đồng thời quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của đối tượng này để bảo đảm quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, an ninh, tài sản công của Nhà nước.
Đối với đất xây dựng công trình ngầm, Luật Đất đai 2024 đã có định nghĩa cụ thể: "đất xây dựng công trình ngầm bao gồm đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất". Đồng thời, quy định về các yêu cầu cần đảm bảo khi sử dụng đất để xây dựng các công trình ngầm; quy định việc giao đất, cho thuê đất đối với đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với hoạt động lấn biển, Luật bổ sung 1 điều quy định về hoạt động lấn biển nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động lấn biển, khắc phục tình trạng chưa đồng bộ giữa pháp luật về đất đai với pháp luật về biển, tài nguyên và môi trường biển, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai.
Trong đó, quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật; phải tuân thủ các nguyên tắc khi thực hiện hoạt động lấn biển, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển và nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì được giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển cùng với giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật giao Chính phủ quy định cụ thể về dự án đầu tư có hoạt động lấn biển và các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển và các nội dung khác nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật khác có liên quan như Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...
Luật cũng bổ sung 1 điều quy định về đất sử dụng đa mục đích, trong đó quy định rõ các loại đất được sử dụng kết hợp đa mục đích gồm: đất nông nghiệp kết hợp với thương mại dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu; đất sử dụng vào mục đích công cộng kết hợp với thương mại, dịch vụ; Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ; Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh; Đất có mặt nước chuyên dùng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại, dịch vụ và các mục đích phi nông nghiệp khác; Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng kết hợp với thương mại dịch vụ; Đất sử dụng vào các mục đích được kết hợp để xây dựng điểm thu, phát sóng thông tin di động và các thiết bị phụ trợ; quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.
Ngoài ra, quy định về các yêu cầu phải đáp ứng khi sử dụng đất kết hợp đa mục đích, quy định nội dung phương án sử dụng đất kết hợp đối với các trường hợp sử dụng đất kết hợp với thương mại, dịch vụ mà phải lập phương án sử dụng đất.