Ngành TN&MT

Đổi mới công tác tuyển sinh đi đôi với đổi mới trong giáo dục - đào tạo

Hoài Thu (thực hiện) 23/05/2024 - 09:25

(TN&MT) - Những năm qua, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho đất nước và ngành TN&MT. Nhằm nâng cao và khẳng định vị thế của Trường trong hệ thống giáo dục quốc gia, tuyển sinh đầu vào là tiền đề rất quan trọng. Bước vào mùa tuyển sinh 2024 - 2025, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội về vấn đề này.

huy-tnmt-6813-copy.jpeg
PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội

PV: Năm học 2023 - 2024 ghi nhận nhiều dấu ấn, kết quả quan trọng trong công tác giáo dục - đào tạo nói chung và công tác tuyển sinh nói riêng của Trường Đại học TN&MT. Ông có thể chia sẻ về những kết quả đó?

PGS.TS Hoàng Anh Huy: Năm học 2023 - 2024 được xem là một năm thành công đối với Trường Đại học TN&MT Hà Nội, qua một số thành tích nổi bật về công tác giáo dục - đào tạo, như việc Nhà trường tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cập nhật, đánh giá các chương trình đào tạo, đưa vào đào tạo trực tuyến tối thiểu 10% đối với khối lượng các chương trình đào tạo. Điều này cũng phản ánh xu hướng của giáo dục trong thời đại 4.0 và nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, công tác quản lý đào tạo cũng đã có nhiều đổi mới trong việc xây dựng văn phòng một cửa hướng tới tạo điều kiện về mọi mặt để hỗ trợ cho sinh viên trong học tập.

Về tuyển sinh, năm 2023, công tác tuyển sinh của Trường Đại học TN&MT Hà Nội, được thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy định, hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với tuyển sinh đại học, Nhà trường sử dụng 5 phương thức xét tuyển áp dụng đối với 23 chương trình đào tạo. Năm 2023, điểm chuẩn nhiều ngành của trường đã vươn lên tốp các trường dẫn đầu trong cả nước.

Những kết quả trên không chỉ là kết quả nỗ lực của cán bộ giáo viên và nhân viên mà còn là sự tin tưởng ủng hộ của các bộ, ban ngành, tinh thần học tập rèn luyện của các lứa sinh viên trong nhà trường, đặc biệt là niềm tin của các thí sinh đã lựa chọn Trường Đại học TN&MT Hà Nội là "điểm đến". Đây là cơ sở để Trường Đại học TN&MT Hà Nội tiếp tục phát triển và vươn lên trong tương lai.

PV: Có ý kiến cho rằng, tài nguyên và môi trường là ngành học khó, suy nghĩ này phần nào tác động đến công tác tuyển sinh. Nhà trường đã làm gì để xóa đi “rào cản” này?

PGS.TS Hoàng Anh Huy: Hiện nay, một số ngành học của Trường Đại học TN&MT Hà Nội mang tính chất đặc thù gắn liền với chuyên môn về tài nguyên và môi trường, thậm chí có nhiều ngành học khó như Khí tượng thủy văn, Quản lý đất đai, Trắc địa - Bản đồ… hoặc những ngành học mang tính ứng dụng kỹ thuật như Biển và Hải đảo...

Điều này có thể làm cho nhiều người e ngại khi quan tâm đến việc chọn lựa những ngành học này, phần nào gây ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh của Trường. Tuy nhiên, để xóa đi những “rào cản” đó, Trường đã áp dụng thực hiện một số biện pháp trong việc tăng cường hỗ trợ và tư vấn. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên thường trực, luôn sẵn sàng cung cấp thông tin rõ ràng và chi tiết về ngành học. Ngoài ra, Trường còn có hệ thống trả lời tự động qua trang Fanpage, website và đường dây nóng để hỗ trợ, giải đáp các vấn đề học tập cho sinh viên.

Theo đó, Trường cũng quan tâm thu hút thêm sinh viên thông qua công tác thông tin rộng rãi và quảng bá, giới thiệu những thành công và cơ hội trong ngành học của Trường. Cụ thể, thông qua trang Fanpage trên các nền tảng mạng xã hội, Trường tích cực tạo các nội dung tuyên truyền, giới thiệu ngành học đa dạng, phong phú liên quan đến công việc đầu ra hay mức lương khởi điểm cho các em thời điểm ra trường, hay cho những học sinh/ đối tượng đăng ký ứng tuyển… nhằm kích thích sự tò mò, hứng khởi và thu hút các em tham gia tuyển sinh.

Bên cạnh đó, Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, các môn học thường kết hợp lý thuyết với thực hành, thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp, đa dạng trong phương pháp giảng dạy để làm cho việc học trở nên thú vị và hấp dẫn hơn đối với sinh viên. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích sự hợp tác, giao lưu giữa sinh viên và giảng viên, giúp sinh viên cảm thấy tự tin hơn trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Đặc biệt năm 2024, Nhà trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến HUNRE E-LEARNING, hệ thống này hỗ trợ rất nhiều trong công tác giảng dạy cũng như tuân thủ quy định mới ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ứng dụng công nghệ trong giảng dạy...

photo-2-15791684212701131104406-copy.jpeg
Sinh viên Trường Đại học TN&MT Hà Nội làm việc nhóm

PV: Bước vào mùa tuyển sinh mới, Trường đã chuẩn bị những gì cho việc thu hút sinh viên? Đặc biệt với những ngành học đặc thù?

PGS.TS Hoàng Anh Huy: Trong mùa tuyển sinh mới, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã chuẩn bị nhiều phương án để thu hút sinh viên. Có thể kể đến việc tham gia các ngày hội tư vấn tuyển sinh. Bởi, tham gia ngày hội tuyển sinh là cách hiệu quả để giới thiệu về Trường và các ngành học chuyên ngành của tài nguyên và môi trường. Trường đã tham dự tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT ở nhiều tỉnh thành để giới thiệu chương trình, tư vấn hướng nghiệp và nhận được nhiều quan tâm của các em học sinh cũng như quý vị phụ huynh.

Đối với các ngành học khó, đặc thù, ngoài việc xây dựng môi trường học tập tích cực, Nhà trường có chế độ miễn giảm ký túc xá cho sinh viên các ngành học này, kèm thêm nhiều chính sách học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên hàng năm. Tất cả biện pháp này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh, các đối tượng sinh viên có nhiều lựa chọn phong phú phù hợp với nhu cầu và thực tiễn.

PV: Đổi mới trong công tác tuyển sinh có đi đôi với đổi mới trong giáo dục - đào tạo không, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Anh Huy: Đổi mới trong công tác tuyển sinh chắc chắn đi đôi với đổi mới trong giáo dục - đào tạo. Công tác tuyển sinh không chỉ là việc thu hút sinh viên vào các chương trình học, mà còn là cơ hội để thể hiện những giá trị và cam kết của Trường đối với việc cung cấp một môi trường học tập tốt nhất. Do đó, việc đổi mới trong công tác tuyển sinh thường đi kèm với việc đổi mới trong các chương trình giáo dục và đào tạo.

Nhà trường thường xuyên cập nhật và điều chỉnh chương trình học để phản ánh các xu hướng mới của xã hội. Những năm gần đây, dựa trên tinh thần thực học và lấy người học làm trung tâm, Nhà trường đã xây dựng Chiến lược phát triển trường đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Ghi nhận trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2023, Trường đã tuyển được gần 3.500 sinh viên trên tổng số 100.000 lượt thí sinh đăng ký vào trường (tăng hơn 20% so với năm 2022), đánh dấu những sự khởi sắc trong đổi mới giáo dục tại Trường.

PV: Theo ông, sự thay đổi này vì mục tiêu nâng cao vị thế Nhà trường hay còn vì những mục tiêu, ý nghĩa nào khác?

PGS.TS Hoàng Anh Huy: Sự thay đổi trong công tác tuyển sinh và giáo dục đào tạo không chỉ vì mục tiêu nâng cao vị thế của Nhà trường, mà còn vì các mục tiêu và ý nghĩa khác nhau. Mục tiêu chính của sự thay đổi trong công tác tuyển sinh và giáo dục đào tạo thường là nâng cao chất lượng giáo dục. Bằng cách cập nhật chương trình học, cải thiện phương pháp giảng dạy và tạo ra môi trường học tập tích cực, trường hướng tới việc cung cấp cho sinh viên một trải nghiệm học tập tốt nhất.

Bên cạnh đó, việc thay đổi cũng nhằm mục đích tăng năng lực cạnh tranh lành mạnh. Từ việc thu hút được những thế hệ sinh viên có tiềm năng và tài năng, Trường có thể đạt được danh tiếng và uy tín cao hơn trong cộng đồng giáo dục. Ngoài ra, chúng tôi hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường lao động. Bằng cách đổi mới chất lượng hình thức giáo dục, đào tạo, xây dựng những chương trình đào tạo linh hoạt phản ánh nhu cầu của thị trường lao động, Nhà trường có thể giúp sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ sự nghiệp phát triển ngành TN&MT.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Thu (thực hiện)