Giải pháp nào để hồ điều tiết phát huy vai trò trong mùa mưa?
(TN&MT) - Với thực trạng đô thị Đà Nẵng hiện nay, để giải quyết vấn đề ngập úng cần triển khai đồng bộ nhiều phương án để xử lý nhiều nội dung khác nhau. Trong đó, việc nâng cấp, cải tạo các hồ điều tiết trên địa bàn cũng cần được chú trọng, nên được xem là một trong những giải pháp cấp bách.
Hồ điều tiết chưa phát huy hết vai trò
Theo báo cáo Dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền, thoát nước nước mặt đô thị thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong khu vực đô thị Đà Nẵng có khoảng 30 hồ đầm nằm rải rác trên địa bàn 7 quận, huyện, với tổng diện tích nước mặt khoảng 1,8 triệu m2, dung tích chứa tối đa khoảng 3,3 triệu m3. Trong hệ thống hồ của Đà Nẵng, một số hồ đóng góp rất tích cực trong nhiệm vụ điều tiết nước mưa, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thoát nước và giảm được ngập lụt. Một số hồ khác rất quan trọng nhưng chưa được sử dụng hiệu quả do các nguyên nhân như bị thu hẹp diện tích do sử dụng đất, bị bồi lắng, mái taluy sạt lở, gây mất mỹ quan, ô nhiễm do nước thải bị rò rỉ vào hồ...
Ghi nhận hiện trạng tại một số hồ điều tiết, tình trạng hồ bị bồi lắng và chưa được nạo vét trong thời gian dài khiến cho diện tích mặt nước bị thu hẹp, dung tích chứa giảm đáng kể. Điển hình như tại hồ Trung Nghĩa, ước tính khoảng 1/3 diện tích mặt nước đang bị bồi lấp, đặc biệt tại khu vực cửa tiếp nhận nước mưa từ hệ thống cống. Trong khi đó, hồ Trung Nghĩa giữ vai trò điều tiết nước mưa chủ yếu cho khu vực Yên Thế - Bắc Sơn và khu bến xe trung tâm.
Tương tự, cụm hồ sân bay phía Bắc và phía Nam cũng bị bồi lắng nặng nề do không được nạo vét thường xuyên. Một số chuyên gia cho rằng, nếu những cụm hồ này được quan tâm đúng mức thì sẽ giải quyết được một phần bài toán ngập úng ở khu vực trung tâm thành phố. Điển hình như cụm hồ phía Nam sân bay (diện tích 12,76ha) là các hồ điều tiết quan trọng cho khu vực phía Nam sân bay, có năng lực điều tiết tốt, nếu dung tích hồ đủ trống thì hoàn toàn có thể cắt trọn các trận lũ có tần suất 20%. Cụm hồ phía Bắc là chuỗi hồ có năng lực điều tiết khá tốt, nếu dung tích hồ đủ trống thì hoàn toàn có thể cắt 2/3 trận mưa tần suất 50%.
Tình trạng bồi lắng tại nhiều hồ điều tiết đã gây ra vấn đề "tắc nghẽn" vai trò của hồ, làm cho nhiều hồ chưa phát huy được vai trò điều tiết nước vào mùa mưa. Cùng với nguyên nhân hệ thống cống, mương thoát nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu vào mùa mưa... tạo nên tình trạng ngập úng cục bộ cho đô thị Đà Nẵng.
Chú trọng thực hiện các giải pháp cho hồ điều tiết
Theo liên danh Công ty Cổ phần TVXD Thủy lợi - Thủy điện Bình Định và Trung tâm Quy hoạch & Kiểm định xây dựng (đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền, thoát nước nước mặt đô thị thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), các hồ trong khu vực để có thể điều hòa trữ nước khi mưa lớn cần phải có quy trình vận hành theo thời gian thực để cắt đúng thời điểm đỉnh mới mang lại hiệu quả cao. Hiện tại vẫn chưa có quy trình nên cần sớm xây dựng quy trình vận hành để cắt giảm ngập úng, cũng như đầu tư các trạm đo mực nước, và vận hành tự động.
Dựa trên đánh giá khả năng điều tiết của các hồ hiện nay, các hồ có năng lực điều tiết trong thành phố bao gồm: nhóm hồ Công Viên - Thạc Gián - Vĩnh Trung, nhóm hồ phía bắc sân bay - hồ Xuân Hà A, hồ Bàu Gia Hạ và Bàu Gia Thượng... Tuy nhiên để điều tiết hiệu quả, cần đầu tư các thước đo mực nước, các cửa van đóng mở và xây dựng quy trình điều tiết của các hồ để cắt giảm ngập cho khu vực.
TS. Lê Hùng - Giảng viên Khoa Xây dựng Công trình thủy -
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)
Ngoài vấn đề cần có quy trình điều tiết của các hồ, triển khai nạo vét hồ để đảm bảo dung tích chứa nước theo thiết kế thì nhóm phóng viên Báo TN&MT nhận thấy, TP. Đà Nẵng cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng diện tích các hồ điều tiết. Nếu các hồ điều tiết được mở rộng, đồng nghĩa diện tích mặt nước tăng lên, kéo theo dung tích chứa tăng thì khả năng điều tiết, trữ tạm nước vào thời điểm mưa lớn sẽ cao hơn. Từ đó làm giảm đáng kể tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực của đô thị Đà Nẵng.
Qua khảo sát, một số hồ điều tiết hiện nay có quỹ đất ven hồ lớn nhưng đang được sử dụng không đúng mục đích. Ví dụ khu vực hồ Hòa Phú, diện tích đất ven hồ đang bị "chia năm xẻ bảy", bị người dân tự ý quây rào, chiếm dụng với mục đích riêng và đã xuất hiện tình trạng bê tông hóa một số nơi. Hay tại khu vực hồ Trung Nghĩa, diện tích đất ven hồ trở thành nơi tập kết rác thải, xà bần (đoạn đường sắt giáp với đường Nam Trân), làm bãi đậu xe (đoạn giáp đường Nguyễn Tường Phổ). Hay cảnh quan nhếch nhác tại khu vực đất ven hồ Phước Lý...
Có thể thấy rằng, một số quỹ đất ven các hồ điều tiết hiện không thực hiện được chức năng chung cho xã hội (đất cây xanh) mà chỉ đang phục vụ lợi ích của nhiều cá nhân. Nếu vai trò của hồ điều tiết được nhìn nhận đúng giá trị, các quỹ đất ven hồ được sử dụng để phát huy đúng vai trò của hồ thì phải chăng là một giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng ngập úng mà đô thị Đà Nẵng đang phải đối mặt hiện nay?