Môi trường

Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý, sử dụng tài nguyên nước

Văn Dinh 22/05/2024 - 19:13

(TN&MT) - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD, tổ chức phi chính phủ, trụ sở ở TP. Huế) vừa tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Việt Nam”.

PGS.TS. Trịnh Thị Định - Giám đốc CSRD cho biết, Dự án được Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ thông qua tổ chức OXFAM Việt Nam.

Dự án gồm 2 hợp phần, thực hiện trong 2 năm bắt đầu từ tháng 6/2022 đến hết tháng 5/2024; triển khai trên địa 5 xã nằm ở thượng nguồn sông A Sáp thuộc huyện miền núi A Lưới. Trong gần 2 năm, cùng với việc thành lập 10 nhóm cộng đồng, hỗ trợ một phần kinh phí giúp các nhóm cộng đồng xây dựng và phát triển mô hình sinh kế nuôi trồng thuỷ sản, hàng chục đợt tập huấn đã được tổ chức bao gồm tập huấn nâng cao nhận thức về nước và tầm quan trọng của nước, tập huấn kỹ thuật về quản trị nước, về phát triển sinh kế dựa vào nguồn nước, tập huấn chuyên sâu về nuôi trồng thuỷ sản, cách tiếp cận thị trường.

111111.jpg
Dự án góp phần nâng cao năng lực cho phụ nữ về vai trò và khả năng đóng góp của họ trong bảo vệ môi trường, tài nguyên nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng

Cũng trong khuôn khổ Dự án, cộng đồng ở A Lưới được đến các địa phương khác thuộc hệ thống sông Mê Kông như Cần Thơ, Đắk Lắk để tham quan học tập các mô hình sinh kế nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; tìm hiểu về hoạt động Đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án cũng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nước, cuộc thi Sáng kiến Sinh kế dựa vào Quản trị nước bền vững.

“Đến nay, bên cạnh 10 nhóm sinh kế nuôi trồng thuỷ sản, bà con cũng chủ động tìm kiếm và xác định mô hình sinh kế hộ gia đình. Những kiến thức, kỹ năng tích lũy được từ Dự án đang đi vào cuộc sống, hy vọng sẽ góp phần thay đổi điều kiện sống và sản xuất của các cộng đồng sống ở thượng nguồn sông A Sap. Thành công của Dự án không chỉ ở chỗ các mô hình sinh kế dựa vào nguồn tài nguyên nước ra đời, mà còn ở chỗ bà con, nhất là chị em phụ nữ được dịp thể hiện năng lực và tính chủ động của mình trong đời sống xã hội, góp phần thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - xã hội - văn hoá của huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế”, bà Định nói.

33333.jpg
Dự án đã hình thành nhiều mô hình sinh kế bền vững dựa vào tự nhiên

Tại Hội thảo, lãnh đạo CSRD đã chia sẻ kết quả Dự án; qua đó cũng thúc đẩy trao đổi giữa các bên liên quan chia sẻ quan điểm về quản trị nước cũng như về phát triển mô hình sinh kế bền vững dựa vào tự nhiên và sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động này; thảo luận về cơ hội hợp tác, kết nối giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại huyện A Lưới.

Ngoài ra, Hội thảo còn tạo điều kiện để tham quan 2 mô hình sinh kế tiêu biểu của cộng đồng; thực hiện hoạt động thả 110 kg cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại sông A Sáp.

222222.jpg
Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Bà Lê Thị Quỳnh Tường - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới chia sẻ, Hội đã phối hợp cùng CSRD triển khai nhiều hoạt động, làm việc với Hội phụ nữ cấp cơ sở và cũng là đơn vị tham gia trực tiếp vào các hoạt động của dự án, chúng tôi nhận thấy rằng việc tuyên truyền, nâng cao năng lực cho phụ nữ về vai trò và khả năng đóng góp của họ trong bảo vệ môi trường, tài nguyên nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng là hết sức cần thiết. Hoạt động Dự án không chỉ nâng cao năng lực về kiến thức mà còn hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cộng động, mô hình nhóm rất hiệu quả. Các chị em hội viên tự tin, cởi mở, mạnh dạn chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, đưa ra ý kiến bản thân, nỗ lực trong phát triển sinh kế hộ gia đình, làm việc nhóm là những thay đổi hết sức tích cực mà dự án đã mang lại trong 2 năm triển khai...

Văn Dinh