Chuyên gia cùng bàn giải pháp cho tác động của Biến đổi khí hậu tại Việt Nam
(TN&MT) - Ngày 22/5, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Tài nguyên thiên nhiên, những biến đổi ở quy mô toàn cầu và tác động đến Việt Nam”, nhằm giúp các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng trao đổi, tạo ra những ý tưởng, cam kết cụ thể đóng góp xây dựng phát triển tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Tham dự Hội thảo có GS.TS Mai Trọng Nhuận - Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội; TS. Lưu Thành Trung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Biến đổi khí hậu (BĐKH); TS. Nguyễn Đăng Toàn, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup, cùng sự tham gia của lãnh đạo đại diện các Khoa, Viện nghiên cứu, Bộ môn và các em sinh viên trong trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết, trước sức ép của sự gia tăng dân số và công nghiệp hoá cùng với BĐKH hiện nay, đã và đang làm môi trường sống của con người và các loài động thực vật trên trái đất bị thay đổi theo chiều hướng xấu. Theo đó, các nguồn tài nguyên càng trở nên nghèo dinh dưỡng và giảm số lượng.
Đã có rất nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế về hiện trạng môi trường sống của con người hiện nay và có nhiều giải pháp được đề xuất, trong đó, giải pháp về “nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường” được đề xuất nhiều nhất với các hình thức triển khai khác nhau.
Không nằm ngoài phạm vi ấy, ngày hôm nay, trường Đại học TN&MT Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tài nguyên thiên nhiên, những biến đổi ở quy mô toàn cầu và tác động đến Việt Nam”, với mong muốn được lắng nghe những chia sẻ quý giá từ các chuyên gia về BĐKH và tài nguyên thiên nhiên, để từ đó hướng tới xây dựng một tương lai bền vững, xây dựng một môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Trình bày về “Những biến đổi ở quy mô toàn cầu và tác động đến Việt Nam: Tài nguyên nước và BĐKH, GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội cho rằng, kịch bản của BĐKH và nước biển dâng tại Việt Nam theo báo cáo của Bộ TN&MT năm 2021 sẽ làm số cơn bão mạnh có xu thế tăng nhanh, nhiệt độ cùng lượng mưa có xu thế tăng mạnh trên phạm vi toàn quốc so với thời kỳ cùng cơ sở, nhất là ở phía Bắc.
Điều này gây nên tác động nhất định của BĐKH đến tài nguyên nước, đất, rừng, biển đảo, khoáng sản, năng lượng và đa dạng sinh học. Không những thế, tác động của BĐKH còn được biểu hiện trong biến động của các ngành nông nghiệp; khí tượng thuỷ văn,…
Từ tác động mạnh mẽ của BĐKH, Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách ứng phó với BĐKH qua các tuyên bố và chiến lược Quốc gia về BĐKH, trong đó, cam kết đến năm 2035 sẽ đạt đỉnh phát thải và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Cùng với đó, GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương đã đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu thích ứng với BĐKH như: Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội thông qua phát triển các chương trình về nông nghiệp và an ninh lương thực, phát triển hạ tầng thích ứng BĐKH, xây dựng các phương án bảo vệ rừng và hệ sinh thái; Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH thông qua dự báo - cảnh báo sớm thiên tai, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai và di dời dân ở khu vực có rủi ro trước tác động của BĐKH,…
Đồng thời, áp dụng 87 biện pháp kỹ thuật giảm phát thải cho 5 lĩnh vực, cụ thể: 42 biện pháp áp dụng cho lĩnh vực năng lượng; 21 biện pháp cho lĩnh vực nông nghiệp; 7 biện pháp cho lĩnh vực chất thải,…
Về thực trạng suy thoái và giải pháp phục hồi rừng ngập mặn, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Trưởng khoa Môi trường - trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết, vai trò của tài nguyên rừng ngập mặt đối với môi trường và cuộc sống của người dân ven biển là vô cùng quan trọng, trong việc nuôi dưỡng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đê biển và cung cấp chỗ cư ngụ và nguồn thức ăn cho rất nhiều loài động vật,…. Tại Việt Nam, rừng ngập mặn được phân bố ở các tỉnh ven biển, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với Quảng Ninh chiếm 9,8%; Đồng bằng sông Hồng là 5,3%; Nam Bộ chiếm diện tích nhiều nhất với 83,9%.
Trong đó, bà đề cập đến vai trò quan trọng nhất của rừng ngập mặn, giúp tích lũy carbon, góp phần giảm nồng độ CO2 trong khí quyển. Tuy nhiên, theo nghiên cứu về biến động diện tích rừng ngập mặn từ năm 1995 – 2019 tại Việt Nam, thực trạng hiện tại cho thấy rừng ngập mặn của Việt Nam đang có xu hướng bị suy giảm. Nguyên nhân khách quan do tác động của BĐKH toàn cầu, cùng các nguyên nhân chủ quan do chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang nuôi trồng thuỷ sản, con người phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nông nghiệp và xây dựng thuỷ điện,…
Từ những nguyên nhân và thách thức trên, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã đưa ra một số giải pháp, trong đó, nhóm giải pháp về quản lý cần: Lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với các quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng, thông qua việc giao rừng cho cộng đồng chăm sóc và quản lý. Với nhóm giải pháp về sinh thái môi trường, cần quản lý rừng ngập mặn theo hướng tiếp cận hệ sinh thái: Quy hoạch tổng hợp ven bờ; đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản theo hướng bền vững; tạo cơ sở pháp lý, cam kết bảo vệ rừng đối với những hộ có liên quan,…
Hội thảo cũng nhận được nhiều trao đổi, tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học trong việc bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với tác động BĐKH hiện nay cũng như được các em sinh viên trường Đại học TN&MT Hà Nội đặt ra những câu hỏi thảo luận sôi nổi.
Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện lãnh đạo trường Đại học TN&MT Hà Nội cùng đại diện các Khoa và bộ môn, đoàn thanh niên sinh viên Nhà trường và đơn vị tài trợ quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup đã thực hiện nghi thức ký cam kết “Phân loại rác tại nguồn, sống xanh tại nơi học tập và làm việc” nhằm thể hiện sự quyết tâm, sự chung tay hành động vì môi trường, hướng tới một xã hội phát triển bền vững.