Xã hội

Diên Tân (Khánh Hòa): Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Đỗ Vương 22/05/2024 - 15:55

Giảm nghèo ở khu vực miền núi với đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số luôn có tính đặc thù so với các khu vực và đối tượng khác, do vậy, cần có quan điểm, định hướng, giải pháp riêng, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều chính sách về giảm nghèo cho khu vực miền núi và đạt những kết quả quan trọng, góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) miền núi của tỉnh.

Theo ông Trần Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Diên Tân, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó trọng tâm là phát triển sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

z5460737934708_ba5f72633c7139a071f88ffb63d3731c.jpg
Các hộ ĐBDTTS phấn khởi thu hoạch vụ mùa

Hiện nay, toàn xã Diên Tân có 78 hộ ĐBDTTS. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã đã cải tạo và giao đất cho các hộ sản xuất trồng lúa diện tích hơn 90ha/2 vụ/năm và đang tập trung xây dựng những cánh đồng lúa giống chất lượng cao, sản xuất theo đơn đặt hàng. Xã đã hình thành tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao RVT hoạt động hiệu quả, năng suất trung bình đạt từ 60 đến 62 tạ/ha. Mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa nước nên hiện nay, các hộ ĐBDTTS trên địa bàn xã không còn thiếu gạo ăn.

Ngoài ra, trong những năm qua, người dân xã Diên Tân đã tập trung phát triển vùng cây có hạt như: bắp, đậu... và cây ăn quả để nâng cao giá trị. Toàn xã đã có hơn 42ha cây ăn quả phát triển tốt, cho thu nhập cao hơn nhiều so với vườn rẫy tạp trước đó. Trên địa bàn xã có 2 hồ chứa nước là Cây Sung và Láng Nhớt cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho diện tích cây trồng. Nhờ đó, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với nhiều loại như: Xoài, bưởi, chuối, dừa xiêm, mít, chanh, sầu riêng… Qua thống kê, từ trồng lúa và cây ăn quả đem lại thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho nông dân trong xã. Cùng với đó, những trang trại nuôi heo với quy mô hàng nghìn con được chăn nuôi khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường đang là hướng phát triển nhằm nâng cao thu nhập của người dân trong xã.
Theo lãnh đạo xã, trên địa bàn còn có mỏ nước khoáng, mỏ đá granite… đang được khai thác hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động với mức 6-8 triệu đồng/người/tháng. Với nhiều nguồn thu nhập, đời sống kinh tế của người dân trong xã được nâng lên. Hiện nay, trên địa bàn xã chỉ còn 38 hộ nghèo; không còn nhà tạm, nhà dột nát; nhà ở đạt tiêu chuẩn chiếm gần 99,3%; mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41,2 triệu đồng/người/năm…

z5460725160688_3e48491a9ef77ae83e2df9438ad6faf8.jpg
Người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cho thu hoạch cao hơn nhiều so với vườn rẫy tạp trước đó.

Bà Nguyễn Ngọc Bảo Uyên - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Tân cho biết, trước đây, do trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, một bộ phận ĐBDTTS thường xuyên uống rượu, gây rối trong gia đình, không chăm lo lao động; thiếu ý thức giữ vệ sinh môi trường; nhiều trường hợp vi phạm giao thông… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Từ thực trạng đó, từ năm 2022, Mặt trận xã xây dựng mô hình “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số xóm 6, thôn Đá Mài” và đã được UBMTTQ Việt Nam tỉnh chọn làm mô hình điểm của tỉnh. Mô hình thu hút 20 cán bộ, công chức am hiểu về pháp luật, cán bộ thôn, lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong ĐBDTTS tham gia. Từ đó, các thành viên thường xuyên thay đổi cách tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan sinh động, xây dựng clip, tạo sự liên kết bằng những câu chuyện dẫn chứng người thật việc thật; kết hợp đến tận nhà vận động, trao đổi với người dân…

Ông Cao Xà Ngân - người có uy tín ở thôn Đá Mài cho biết: "Thực hiện mô hình, chúng tôi đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động người dân không để các tệ nạn xã hội xâm nhập bản làng; không để kẻ xấu lợi dụng gây mất an ninh, trật tự. Chính cách làm phù hợp của mô hình đã từng bước giúp ĐBDTTS trên địa bàn thôn nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật. Nhờ đó, thôn Đá Mài không xảy ra tệ nạn xã hội; tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm, hướng đến phát triển kinh tế, giúp giảm nghèo bền vững.

Gia đình bà Cao Thị Hồng (thôn Đá Mài) là một trong những hộ nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Mặt trận xã đã có được đất để tiếp tục sản xuất, không phải đi làm thuê, nay cuộc sống đã hết khó khăn.

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, những năm qua, công tác giảm nghèo được toàn tỉnh triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ với nhiều giải pháp. Qua giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực.

“Các ngành chức năng đang tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất UBND tỉnh triển khai các chính sách đặc thù của tỉnh. Qua đó, góp phần tạo động lực cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.” Ông Tạ Hồng Quang nói.

Đỗ Vương