Kinh tế

Thái Bình: Nông dân huyện Đông Hưng cùng nhau phát triển kinh tế

Mai Anh 22/05/2024 15:55

(TN&MT) - Thời gian qua, xác định giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, phát huy vai trò nòng cốt của hội viên, nông dân trong phát triển “tam nông”.

Hội Nông dân triển khai nhiều hoạt động vận động hội viên làm giàu

Hội Nông dân huyện Đông Hưng đã chỉ đạo các cơ sở hội tiếp tục phát động, lan tỏa sâu rộng, hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; linh hoạt, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động và định hướng cho hội viên, nông dân phát huy lợi thế của địa phương, tận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa cây, con giống có giá trị vào nuôi, trồng; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình cho thu nhập cao.

Hội Nông dân huyện cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 124 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, tham quan học tập các mô hình sản xuất hiệu quả, cung ứng vật tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả chương trình ủy thác vay vốn với một số ngân hàng.

ffed1616-aee8-4715-b080-ae3a4c55aeac.jpg
Các cấp hội luôn phối hợp hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu nông sản, các sản phẩm OCOP

Theo ông Phạm Đức Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hưng, Hội đang quản lý 377 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ hơn 630 tỷ đồng cho hơn 8.300 hộ hội viên vay; quản lý tốt quỹ hỗ trợ nông dân với số vốn 4,3 tỷ đồng cho 114 lượt hộ hội viên vay. Các cấp hội còn tín chấp cho hội viên mua 170 tấn phân bón trả chậm để chăm sóc cây trồng.

Hiện nay, xu hướng bán hàng trực tuyến cũng là kênh kết nối, quảng bá, giới thiệu, phân phối mới giúp nông dân tiêu thụ, mở rộng thị trường, vì thế các cấp hội đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ hội viên, Hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử.

0534b4a1-b028-4129-b913-83f3f406019d.jpg
Điển hình trong số các sản phẩm OCOP 3 sao là sản phẩm đông trùng hạ thảo Phú Hưng của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Hiện (thôn Duyên Phú, xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình)

Cùng với đó, các cấp hội phối hợp hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu nông sản, các sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có hơn 20 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.

Điển hình trong số các sản phẩm OCOP 3 sao là sản phẩm đông trùng hạ thảo Phú Hưng của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Hiện (thôn Duyên Phú, xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo của gia đình anh Hiện đã tạo việc làm cho bà con, nhờ đó được lãnh đạo địa phương ghi nhận và đánh giá rất cao.

Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Phú Lương cho biết, đây là mô hình đầu tiên nuôi trồng đông trùng hạ thảo của địa phương nói riêng, của huyện Đông Hưng nói chung. Đến nay đã gần hai năm đi vào hoạt động, cũng là chừng ấy thời gian cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phú Hưng tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập bình quân 7 triệu/1 người/1 tháng. Đây là mô hình làm kinh tế điển hình, cần nhân rộng.

Trong năm, các cấp hội cũng đã phối hợp với gia đình hội viên triển khai một số mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao như cấy giống lúa mới TBR97, TBR39 tại các xã Lô Giang, Đông Hoàng, Mê Linh, Đông Kinh; cấy giống lúa nếp A Sào tại các xã Đô Lương, Đông Sơn; trồng ngô nếp đường lai TBM18 tại xã Trọng Quan; nuôi gà mía lai thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại các xã Đông Xá, Đông La...

Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao

Với sự đồng hành của các cấp hội, nhiều hội viên, nông dân đã nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình là mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) của gia đình ông Nguyễn Văn Hoài (xã Đông La - huyện Đông Hưng), với cách sắp xếp vườn cây, ao, chuồng bài bản, khoa học.

Được biết, trước đây, ông Hoài chỉ làm ruộng, chăn nuôi vài con gà, vịt phục vụ cuộc sống gia đình nên thu nhập bấp bênh. Sau khi được tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, đặc biệt là thông qua tổ chức Hội được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại, cải tạo lại vườn, ao nuôi 80 - 100 con gà, ngan thịt, vịt đẻ, 6 con lợn nái, trồng 20 gốc sắn dây, 50 cây cam và bưởi, rau xanh các loại theo mùa.

d6b67d208f3d6bfe28df8a6aaa263657.jpg
Sản xuất nông nghiệp ở xã Đông Phương, huyện Đông Hưng

Ông cũng thả cá truyền thống, tận dụng cỏ trong vườn và bèo vớt ngoài đồng làm thức ăn nuôi cá trong ao. Mỗi năm ông thu từ vườn, ao, chuồng hàng trăm triệu đồng, nhiều năm liền là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện.

Những mô hình hiệu quả khác phải kể đến là mô hình trang trại tổng hợp 1ha nuôi gà, ếch, lợn, cá, ốc của hộ ông Nguyễn Văn Tranh, xã Lô Giang với, thu nhập 600 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương; ông Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu tích tụ 10ha ruộng cấy lúa hàng hóa, sản xuất dây chuyền gieo mạ khay cấy máy, thu nhập 250 triệu đồng/năm...

Qua bình xét, năm 2023 toàn huyện có 24.000 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt tỷ lệ 67% số hộ đăng ký, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,88%. Cùng với tích cực phát triển kinh tế, hội viên, nông dân còn tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao tại địa phương.

Đến nay, đã có xã Đông Phương được công nhận xã NTM nâng cao; hai xã Phong Châu, Đông Hoàng đang chờ tỉnh thẩm định công nhận; hai xã Đông Tân, Đông Xá cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đông Hưng tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với thực hiện nội dung tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện tiếp tục hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề cho hội viên; xây dựng, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả, đặc biệt là đẩy mạnh tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản.

Mai Anh