An ninh trật tự

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo thông qua việc mua bán đất đai

Phạm Văn 21/05/2024 - 16:09

(TN&MT) – Công an một số tỉnh phát đi thông báo, đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo liên quan đến bất động sản để chiếm đoạt tài sản như: Chiếm dụng tiền đặt cọc; một tài sản nhà đất nhưng bán cho nhiều người; mua bán nhà đất bằng sổ giả, giấy tờ giả …

Đủ mọi hình thức lừa đảo

Những năm vừa qua, thị trường bất động sản tuy trải qua nhiều biến động nhưng sức hút của nó lúc nào cũng rất lớn. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản như: Chiếm dụng tiền đặt cọc; một tài sản nhà đất nhưng bán cho nhiều người; mua bán nhà đất bằng sổ giả, giấy tờ giả …

Ngày 14/5/2024 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hồ Thủy Tiên (46 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc mua bán đất. Kết quả điều tra ban đầu xác định, ngày 20/4/2020, vợ chồng ông Bùi Tấn Trọng Trí có mua của vợ chồng Hồ Thủy Tiên một thửa đất với số tiền 10,5 tỷ đồng. Sau khi chuyển đủ số tiền mua đất và đến Văn phòng công chứng để thực hiện việc chuyển nhượng thì vợ chồng ông Trí mới vỡ lẽ thửa đất trên đã được thế chấp cho ngân hàng. Đến ngày 28/3/2023, vợ chồng Hồ Thủy Tiên đã bán lô đất trên cho người khác.

lau-dao-mua-ban-dat-dai-2.jpg
Những hình thức lừa đảo mua bán đất đai diễn ra khá phổ biển với đủ mọi thủ đoạn tinh vi (ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 27/4/2024, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối tượng Ngô Văn Quyết (39 tuổi, tỉnh Lâm Đồng) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra ban đầu, khoảng tháng 11/2022, anh Lương Công Thiện (36 tuổi, tỉnh Bình Phước) có mua của đối tượng Ngô Văn Quyết 5,3ha đất tại xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk với giá 1,78 tỉ đồng. Tuy nhiên sau khi giao dịch mua bán xong, anh Thiện mới phát hiện ra mình bị lừa vì thửa đất nói trên thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Trang (57 tuổi, tỉnh Lâm Đồng).

Thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ án có sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Hưng Yên đã điều tra làm rõ 04 vụ, 10 bị can phạm tội “Làm giả con dấu tài, liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các đối tượng đã sử dụng giấy tờ giả (sổ đỏ giả, hồ sơ đất đai giả … ) để chiếm đoạt tiền của nhiều cá nhân thông qua việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Cảnh báo những thủ đoạn phổ biến

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, các đối tượng thường thông qua mạng xã hội đặt mua con dấu giả của cơ quan chức năng để thực hiện, làm giả giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các đối tượng sẽ thể hiện nội dung của các thửa đất tại vị trí đẹp và thông tin thửa đất đó đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sau đó đối tượng sử dụng giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giả đó để thế chấp vay tiền nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản ...

Ngoài ra, Công an tỉnh Phú Thọ cũng phát cảnh báo tương tự liên quan tới việc mua bán nhà đất bằng sổ giả, giấy tờ giả. Theo đó, việc mua bán bằng sổ giả hoặc giấy tờ giả sẽ nhắm vào cả 2 loại đối tượng là người mua và bán.

Đối với người bán, những kẻ lừa đảo sẽ đóng vai trò là một người mua nhà đất và cần xem sổ hoặc lấy thêm thông tin sổ để xác thực. Lúc này, kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng các thông tin đó để có thể làm một cuốn sổ đỏ và hồ sơ giả. Những lần gặp tiếp theo, lợi dụng lúc người bán không để ý, những đối tượng này sẽ tráo đổi giữa sổ giả và sổ thật.

lua-dao-mua-ban-dat-1.jpg
Đối tượng Hồ Thủy Tiên bị Công an TP Đà Nẵng bắt tạm giam vì lừa đảo mua bán đất đai (nguồn: Công an TP Đà Nẵng)

Đối với người mua, những kẻ lừa đảo sẽ đóng vai trò là một người mua có cùng quan tâm tới một thửa đất nào đó. Khi người dân đang có ý định mua thửa đất nhưng lưỡng lự vì mức giá cao thì đột nhiên có người tới gặp để hỏi mua chính thửa đất đó với mức giá cao hơn nhiều. Đối tượng sẽ đánh vào tâm lý “không mua là mất” của nhiều khách hàng để họ sẵn sàng mua thửa đất với giá “trên trời”.

Ngoài thủ đoạn mua bán đất đai bằng sổ giả hoặc giấy tờ giả, Công an tỉnh Phú Thọ cũng thống kê hàng loạt các hành vi lừa đảo phổ biến khác như: Lập dự án “ma” nhằm lôi kéo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người “xuống tiền” vào dự án không có thật; lừa đảo bán những thửa đất không đủ pháp lý, phân lô trái phép bằng hình thức viết tay với những lời cam kết đất này đã có vi bằng do cơ quan thừa phát cấp; lừa mua nhà đất đang bị kê biên …

Cơ quan công an cảnh báo người dân khi mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu nghi ngờ có dấu hiệu sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, con dấu giả hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến việc chuyển nhượng, mua bán quyền sử dụng đất thì cần dừng ngay tất cả mọi giao dịch và trình báo với cơ quan chức năng để giải quyết.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Nghi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận xét: “Việc một số người dân bị lừa đảo thông qua mua bán đất đai là do nhận thức còn hạn chế, ham giá rẻ, chưa chủ động tìm hiểu về giá trị thực tế của thửa đất so với giá trị do đối tượng đưa ra, tin tưởng thông tin mà đối tượng cung cấp về giá trị thửa đất và các hoạt động liên quan đến việc chuyển nhượng. Bên cạnh đó, người mua chưa tìm hiểu kỹ về tình trạng thửa đất như ai là người chủ sử dụng hợp pháp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho ai, vào thời điểm nào, hiện trạng thửa đất ra sao ... Trước khi thực hiện việc mua bán, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh những rủi ro không đáng có”.

Phạm Văn