Giao Thủy (Nam Định): Làm giàu từ mô hình nuôi thủy sản
Với lợi thế là huyện có 32km đường bờ biển, huyện Giao Thủy xác định kinh tế biển là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội góp phần giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Vì vậy, ngành nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh ở các xã như Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải, Giao Long, Bạch Long, Giao Phong, Giao Thịnh, thị trấn Quất Lâm…
Điển hình là mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Cao Văn Ba ở xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đây chính là mô hình nuôi tôm công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện Giao Thủy. Trở về quê hương mang trên mình thương tật 21%, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bắt đầu sự nghiệp với việc nuôi tôm thẻ chân trắng. Vay vốn thế chấp ngân hàng, lấy ngắn nuôi dài, từ một mô hình nuôi truyền thống, nhỏ lẻ, thu nhập thấp, đến nay ông đã sở hữu mô hình nuôi tôm quy mô 5ha, ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt. Phương pháp này đã tạo điều kiện nuôi thâm canh, chủ động được thời điểm thu hoạch, giúp người nuôi tôm tránh được tình trạng "được mùa, rớt giá".
Trung bình mỗi vụ, ông Ba thu hoạch được từ 20 – 25 tấn tôm với doanh thu 5 – 6 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, HTX của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động tại địa phương, với mức lương từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Ông Ba chia sẻ: "Được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên người dân chúng tôi càng tự tin, nỗ lực phát triển mô hình trên vùng đất (biển) quê hương".
Còn ở xã Giao Thịnh, ông Đỗ Văn Khương cũng là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có tiếng trong vùng, là kỹ sư thủy sản ĐH thủy sản Nha trang được đào tạo bài bản về kiến thức nuôi thủy sản - sau nhiều năm bôn ba các tỉnh thành trên cả nước làm thuê cho các công ty nước ngoài về nuôi trồng thủy sản. Năm 2009, ông Khương quyết tâm về quê lập nghiệp. Cùng lúc, xã Giao Thịnh có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản, ông đã mạnh dạn đấu thầu 3 ha đất trong vùng chuyển đổi để sản xuất giống. Hai năm đầu do không có điện sản xuất lại không có thị trường, vốn ít … nên ông gặp rất nhiều khó khăn.
Quyết tâm không bỏ cuộc, đồng thời được sự ủng hộ của chính quyền, những năm sau đó ông mạnh dạn mở rộng sản xuất giống, nuôi công nghiệp các đối tượng đem lại sản lượng cao. Ông không chỉ nuôi ao đất còn mở rộng nuôi lồng tại sông Hồng cho sản lượng cá thịt hàng lên tới 200 tấn/ năm và cá giống 20 triệu con/ năm, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, ông Khương chia sẻ.
Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giao Thủy cho biết, phát triển mô hình thủy sản chính là một hướng đi mới để định hướng cho người dân hợp tác để phát triển nghề thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và giảm nghèo bền vững.
Cùng với sự giúp sức từ các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, các mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã kết nối được người dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Từ đó, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, toàn huyện có một số tổ chức và cá nhân đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản. Nhiều hộ dân đã tập trung đầu tư vốn, công sức và các điều kiện về khoa học kỹ thuật để phát triển nuôi thủy sản theo hướng thâm canh tập trung, quy mô trang trại.
Thời gian tới, để các mô hình nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, UBND huyện sẽ tạo điều kiện giúp các hộ dân, HTX từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nói chung và HTX nuôi trồng thủy sản nói riêng phát triển.