Xã hội

Văn Quan (Lạng Sơn): Gỡ khó để giảm nghèo bền vững

Hoàng Nghĩa 21/05/2024 14:06

(TN&MT) - Thời gian qua, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, nhờ đó công tác này đã đạt được những kết quả tích cực.

Nhiều kết quả tích cực

Những năm qua, huyện Văn Quan đặt mục tiêu giảm từ 5% tỷ lệ hộ nghèo/năm trở lên. Đây là một thách thức không nhỏ với địa phương này, do số hộ nghèo cao, xuất phát điểm của huyện thấp, một bộ phận người dân còn tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Song, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đến từng cơ sở, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, rà soát danh mục các dự án đầu tư, lên phương án chi tiết cho từng dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt để hỗ trợ Văn Quan thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025.

Giao các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể chủ động hướng dẫn cơ sở tuyên truyền vận động hội viên, nhân dân tham gia giảm nghèo; giúp đỡ hộ nghèo áp dụng tiến bộ khoa học, cách thức sản xuất để thoát nghèo bền vững. Các phòng, ban, ngành chủ động triển khai, đảm bảo chế độ, chính sách cho hộ nghèo, người nghèo, cận nghèo; tổ chức rà soát các danh mục dự án đến cấp thôn.

Các đài truyền thanh xã thường xuyên thông tin tuyên truyền về giảm nghèo đến người dân, góp phần đưa thông tin về cơ sở, nâng cao trình độ nhận thức, ý thức người nghèo tự giác vượt khó vươn lên thoát nghèo.

screenshot_20240515_090941_facebook.jpg
Các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được huyện Văn Quan quan tâm hỗ trợ xây, sửa nhà ở, ổn định cuộc sống.

Thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo, năm 2023, trên địa bàn huyện đã đầu tư 3 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ người dân 5 xã; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 1.000 hộ nghèo. Hoàn thành xây dựng mới 65 nhà/91 nhà; sửa chữa 70 nhà/94 nhà. Hỗ trợ tiền điện cho 2.173 hộ nghèo; trên 39.000 người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, đồng bào DTTS được cấp bảo hiểm y tế; hơn 11.000 học sinh các cấp được hỗ trợ chi phí học tập; mở 10 lớp dạy nghề lao động nông thôn cho 305 học viên; tạo việc làm mới cho trên 700 lao động…

Cùng với đó, triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025, huyện đã đầu tư 5 dự án công trình cấp huyện, liên xã về cầu, đường tại các xã, thị trấn. Hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng 6 công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn huyện. Xây dựng, phát triển, nhân rộng 11 mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo hiệu quả để tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn

Theo UBND huyện Văn Quan, năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng huy động mọi nguồn lực để ưu tiên phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt kế hoạch phát triển KT-XH gắn với giảm nghèo. Kết quả, toàn huyện giảm được 682 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10,99%, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5% trở lên; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 6,18%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo tại Văn Quan còn đối diện một số tồn tại, hạn chế. Hiện nay, các nguồn vốn Chương trình MTQG giao cho đơn vị thực hiện Dự án 4 về giáo dục nghề nghiệp lớn, trong khi đơn vị cần nguồn vốn xây dựng mới một số hạng mục công trình đã xuống cấp nhưng không thực hiện được, do nguồn sự nghiệp chỉ đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất.

screenshot_20240515_091932_facebook.jpg
Đường xá tại các địa phương ở Văn Quan đang được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững (ảnh TTVHVQ)

Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo, ngoài yêu cầu phải căn cứ trên cơ sở danh mục đào tạo nghề tối thiểu với từng nghề, thì yêu cầu về điều kiện xưởng thực hành, các phòng chức năng để lắp đặt các trang thiết bị cũng phải có sẵn thì mới đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị. Vì vậy, khi chưa được đầu tư xây dựng xưởng thực hành, các phòng chức năng thì các đơn vị được giao nhiệm vụ chưa đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị thực hành, thực nghiệm, dẫn đến không có khả năng giải ngân vốn.

Với vốn hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề - cả 3 nguồn vốn đều có trong các chương trình mục tiêu quốc gia, dẫn đến chồng chéo nội dung giữa các Chương trình. Qua thực tế thực hiện năm 2022, việc mở lớp đào tạo nghề cho người lao động chỉ sử dụng nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Dân tộc Thiểu số và Miền núi, do nguồn này đối tượng hỗ trợ quy định mở rộng hơn, không sử dụng được nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Công tác tuyên truyền dù đã được quan tâm đẩy mạnh, song chuyển biến nhận thức của nhân dân về giảm nghèo, thoát nghèo, vươn lên làm giàu còn chậm. Bên cạnh đó, với các dự án đầu tư không có chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, mà do nhân dân hiến đất, quá trình tổ chức triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Một số dự án đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; có dự án chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nên chưa thể triển khai các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, do đối tượng thực hiện ít hoặc không có, ảnh hưởng tiến độ thực hiện một số dự án, đặc biệt là các dự án vốn sự nghiệp, dự án thuộc Chương trình MTQG... ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Thời gian tới, huyện Văn Quan sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội với công tác giảm nghèo. Đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, để nâng cao nhận thức Nhân dân về công tác giảm nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để trợ giúp đối tượng người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tăng cường chỉ đạo thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại do yếu tố khách quan. Tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ hộ nghèo về giống cây trồng vật nuôi, thuốc trừ sâu, phân bón...

Tập trung mọi nguồn lực phát triển KT-XH, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân. Gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm; vận dụng các chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn ưu đãi để mua sắm máy móc thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất.

screenshot_20240515_085652_facebook-1-.jpg
Bộ mặt nông thôn ở Văn Quan đang "thay da đổi thịt (ảnh TTVHVQ)

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát hộ nghèo để phân loại cụ thể hộ nghèo theo các nhóm tiêu chí, từ đó có biện pháp thích hợp để giảm nghèo. Hướng tới hoàn thành Kế hoạch Chương trình giảm nghèo năm 2024, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 5%, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 6-7%.

Hoàng Nghĩa