Lào Cai triển khai chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số: Khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của đồng bào
(TN&MT) - Để đảm bảo nơi an cư cho trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Lào Cai đang từng bước triển khai nhiều chính sách về đất đai cho đồng bào. Hiện kết quả ra sao, Lào Cai đang gặp những khó khăn gì và đâu là định hướng trong thời gian tới?
Đó là những vấn đề đặt ra trong cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường và ông Phạm Bình Minh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai.
PV: Xin ông chia sẻ về việc triển khai chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai?
Ông Phạm Bình Minh: Lào Cai có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Để người dân ổn định quộc sống, hiện tại Lào Cai đang thực hiện triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025) tập trung giải quyết vào các đối tượng chưa có đất ở, thiếu đất đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo các hộ được sắp xếp, ổn định dân cư.
Để có cơ sở triển khai, đầu năm 2023, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND quy định một số nội dung về hỗ trợ đất ở và định mức đất sản xuất, để thực hiện Chương trình. Theo đó, quy định cụ thể về diện tích hỗ trợ tối thiểu và tối đa cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách của chương trình, được xác định theo các khu vực. Đối với đất sản xuất, quy định cụ thể định mức, hệ số quy đổi giữa các loại đất và cách xác định hộ thiếu đất sản xuất cho các loại đất.
PV: Địa hình chủ yếu là đồi núi, quỹ đất hạn chế là thách thức không nhỏ cho triển khai chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai. Tỉnh đang khắc phục khó khăn này như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Bình Minh: Mặc dù là tỉnh có diện tích đất lớn nhưng đa số là đồi núi nên quỹ đất để bố trí cho các hộ chưa có đất ở, thiếu đất sản xuất là rất hạn hẹp. Nếu có thì quỹ đất trên thường là khu vực núi đá, địa hình đi lại khó khăn hoặc không thể canh tác nông nghiệp được.
Để giải quyết tình trạng trên, tỉnh Lào Cai đang triển khai thực hiện Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ 2017.
Đề án này triển khai nhằm rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới sử dụng đất, đo đạc xác định tọa độ mốc, đường ranh giới và lập hồ sơ ranh giới; đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính; cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính cho các tổ chức sử dụng đất bao gồm: 11 tổ chức, 134 cấp xã và phần diện tích bàn giao về cho địa phương quản lý, sử dụng.
Sau khi Đề án hoàn thành, quỹ đất giao về cho địa phương quản lý sẽ được UBND cấp huyện triển khai lập phương án sử dụng đất và thực hiện tổ chức quản lý, sử dụng quỹ đất này. Đây là sẽ nguồn quỹ đất để giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất ở, thiếu đất sản xuất, nhất là đồng bào thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.
PV: Để đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt được hiệu quả cao nhất, tỉnh Lào Cai có những giải pháp và kế hoạch gì?
Ông Phạm Bình Minh: Để đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt được hiệu quả cao nhất, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án đang thực hiện; tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp; tham mưu, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; bảo đảm cân đối, bố trí huy động đầy đủ, kịp thời đúng theo cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp người dân nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, đối với đất ở, đất sản xuất và đất lâm nghiệp, tỉnh Lào Cai đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với các loại đất trên, tỷ lệ cấp giấy đạt trên 95% số lượng thửa đất được đo đạc.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm bản đồ đất lâm nghiệp được thành lập theo phương pháp xét đoán ảnh hàng không, tỷ lệ độ chính xác chưa cao (loại đất này chiếm phần lớn diện tích tự nhiên), dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ theo kết quả đo đạc trên còn nhiều chồng chéo, thiếu chính xác. Do đó xảy ra nhiều tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện về quyền sử dụng đất, ranh giới sử dụng đất.
Tỉnh Lào Cai kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành, Trung ương hỗ trợ tối đa kinh phí cho tỉnh Lào Cai để thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, chuẩn hóa hồ sơ địa chính đối với phần diện tích trên, để có cơ sở tốt trong công tác quản lý đất đai và giải quyết tranh chấp, đơn thư khiếu kiện về đất đai. Ngoài ra, cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa quan tâm, hỗ trợ cho các đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là khu vực miền núi vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để người dân có đất ở, đủ đất sản xuất ổn định đời sống.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!