Bình Thuận phân loại rác tại nguồn: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
(TN&MT) - Để góp phần nâng cao công tác phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai các giải pháp trong công tác quản lý cũng như tổ chức thực hiện.
Đưa ra nhiều giải pháp
UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các địa phương tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, giảm khối lượng CTRSH phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp nhằm tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong năm 2024, UBND cấp huyện, xã nhanh chóng ban hành chương trình kế hoạch, mô hình phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế CTRSH phù hợp.
Đồng thời, phải quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH trên địa bàn; đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; đồng thời, kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển CTRSH từ cấp huyện đến cấp xã; phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải sau khi được phân loại; tần suất, thời gian và tuyến thu gom vận chuyển CTRSH phải có lịch trình cụ thể.
Tỉnh Bình Thuận nỗ lực phấn đấu trong năm 2025, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sẽ được trang bị 100% kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn sẽ đạt 70%, còn ở các xã đạt 30%. Tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%. Tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 80%. Tỷ lệ CTRSH được tái chế đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%.
Đối với các huyện/xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các chỉ tiêu về tỷ lệ CTRSH được thu gom xử lý và được phân loại tại nguồn được thực hiện theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; và Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh Bình Thuận ban hành.
UBND cấp huyện sẽ xây dựng các trạm trung chuyển CTRSH, bố trí các điểm tập kết nhằm đa dạng hóa các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Các cơ sở thu gom vận chuyển CTRSH phải nâng cấp các trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, đồng thời, tăng cường nhân lực để đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển kịp thời, không để tồn đọng gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Nỗ lực thực hiện
Theo ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bình Thuận, các địa phương phải công khai rộng rãi về địa điểm, tần suất và lộ trình, tuyến thu gom từng nhóm CTRSH sau phân loại đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để biết và chuyển giao theo đúng quy định. Các cơ sở xử lý CTRSH trên địa bàn phải đầu tư cải tiến trang thiết bị, công nghệ xử lý, ưu tiên các công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường tái chế và thu hồi năng lượng từ CTRSH, hạn chế đến mức thấp nhất việc chôn lấp trực tiếp CTRSH.
Đối với các loại CTRSH của các hộ cá nhân sau khi phân loại phải chứa đựng trong các bao bì, thùng chứa với màu sắc khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom và vận chuyển. Khuyến khích người dân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Riêng chất thải nguy hại, các hộ gia đình, cá nhân, phải chứa đựng trong trong bao bì riêng biệt nhằm đảm bảo an toàn cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom.
Ông Trần Nguyên Lộc - Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận cho biết: Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, Sở TN&MT khuyến khích các địa phương phát động phong trào thu gom chất thải tái chế từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các điểm công cộng… thông qua các hội, đoàn thể và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế theo quy định. Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động trên được sử dụng để duy trì các hoạt động tuyên truyền, vận động và các hoạt động khác phục vụ cho công tác phân loại CTRSH tại địa phương; tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại CTRSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại CTRSH để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Thời gian tới, Sở TN&MT Bình Thuận sẽ xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền, đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn từ các sở, ban, ngành đến cộng đồng dân cư; trao đổi, hợp tác và học tập kinh nghiệm trong việc phân loại CTRSH tại nguồn để đề ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
"Trong quá trình thực hiện, kết quả kiểm tra, giám sát là cơ sở để xử lý các vi phạm các trường hợp chưa tuân thủ theo đúng quy định cũng như việc biểu dương, khen thưởng các trường hợp làm tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn để có cơ sở điều chỉnh ngày càng hoàn thiện hơn" - ông Trần Nguyên Lộc thông tin thêm.