Biến đổi khí hậu

Ứng phó với hạn mặn, thiếu nước: Cần giải pháp căn cơ, lâu dài

Nguyễn Thủy 21/05/2024 - 09:19

(TN&MT) - Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra trên diện rộng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để thích ứng, theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp trước mắt là ngăn mặn, trữ nguồn nước ngọt, thì về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, xác định cụ thể thứ tự ưu tiên nhằm đảm bảo nguồn nước vì mục tiêu phát triển bền vững.

Mưa ít, dòng chảy thượng nguồn thiếu hụt

Theo nhận định của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các tổ chức quốc tế dự báo lượng mưa trong tháng 5/2024 trên lưu vực sông Mê Công thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 30%.

Trong khi đó, diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công. Do đó, việc mùa mưa đến muộn cộng với nguồn nước sông Mê Công về ngày càng ít không chỉ là cảnh báo mà đã là thực trạng báo động về nguồn cung cấp nước cho ĐBSCL đồi hỏi cấp thiết đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.

Ranh mặn 4‰ có thể vào sâu đất liền đến 100km

Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhận định xâm nhập mặn ĐBSCL vượt qua thời kỳ cao điểm và đang có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, do lượng nước về từ thượng lưu còn ở mức thấp, mùa mưa ở ĐBSCL đến muộn nên xâm nhập mặn vẫn còn ở mức cao và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cuối tháng 5. Đặc biệt là trên sông Vàm Cỏ Tây, do nguồn nước cung cấp trong thời gian tới vẫn rất hạn chế, nên tình hình xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài và có thể ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

anh-2(2).jpg
Chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Dự báo chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các sông chính ở mức 40 - 50 km trên sông Tiền, sông Hậu; từ 90 - 110 km trên sông Vàm Cỏ Tây. Do tình hình xâm nhập mặn vẫn còn diễn biến phức tạp, các địa phương cần tiếp tục chủ động giám sát mặn, cập nhật các thông tin dự báo mặn của các cơ quan chuyên ngành để chủ động bố trí lịch mùa vụ Hè Thu hợp lý và vận hành công trình để tiêu thoát môi trường trong nội vùng cũng như các tác hại khác của hạn mặn trên địa bàn. Đối với, các khu vực cách biển từ 50km trở vào, khi nguồn nước ngọt trên sông ổn định, xem xét xuống giống vụ Hè Thu năm 2024.

Thực tế cho thấy, vào mùa khô, nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công và dự báo còn chịu nhiều biến động, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và đe dọa về an ninh nguồn nước cho ĐBSCL.

Với các tác động nói trên, ĐBSCL đang đối mặt 3 thách thức rất lớn đối với phát triển bền vững là an ninh nguồn nước, ngập nước diện rộng và kéo dài trong tương lai và suy thoái đồng bằng như xói lở bờ biển, bờ sông và hạ thấp đồng bằng.

Chủ động thích nghi, cần giải pháp căn cơ, lâu dài

Trong bối cảnh diễn biến xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, biến động bất thường và thường xuyên hơn, theo ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Theo đó, trong giai đoạn trước mắt, ông Nguyễn Hồng Hiếu cho rằng, các tỉnh ĐBSCL cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại.

Cùng với đó, các tỉnh cần xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Còn về lâu dài, các tỉnh ĐBSCL cần tiến hành thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó chú trọng đặc biệt trong quá trình đầu tư phát triển các ngành phải tuân thủ quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt, đặc biệt lưu ý định hướng phát triển các ngành phù hợp với các vùng sinh thái (nước mặn, nước lợ, nước ngọt) đã chỉ ra trong các quy hoạch và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Hiếu, hiện nay, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 27/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, hàng năm Bộ TN&MT sẽ công bố kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long để dự báo, cảnh báo xu thế diễn biến nguồn nước theo từng thời kỳ trong năm, đánh giá mức độ hạn hán, thiếu nước trên lưu vực sông.

Căn cứ kịch bản nguồn nước, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân 13 tỉnh ĐBSCL xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước nhằm chủ động nguồn nước cho sản xuất và nhất là nước cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng, đồng thời xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ việc điều hòa, phân phối nguồn nước để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, cũng như việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia phía thượng nguồn sông Mê Công, nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại.

Thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Hiếu cũng đề xuất các tỉnh ĐBSCL cần nghiên cứu, triển khai các phương án xây hồ chứa, các giải pháp tích trữ nước liên vùng, liên tỉnh với quy mô phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch vùng ĐBSCL và quy hoạch thuỷ lợi, để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt, điều tiết nguồn nước.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức; vận động hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống ô nhiễm nguồn nước; thay đổi tập quán canh tác, thích ứng với điều kiện nguồn nước từng vùng; áp dụng các mô hình áp dụng công nghệ tăng trưởng xanh, sử dụng tái tuần hoàn tài nguyên nước để có những giải pháp phòng chống, ứng phó hạn mặn phù hợp.

Nguyễn Thủy