Tài nguyên nước

Vì một ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững: Lắng nghe giải pháp từ các chuyên gia

Lê Hùng (lược ghi) 21/05/2024 - 09:19

(TN&MT) - Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vựa lương thực của cả nước, là giỏ thực phẩm của toàn cầu. ĐBSCL cũng là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với hơn 94% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây cả nước. Song, vùng ĐBSCL đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, sụt lún, sạt lở đất và thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.

Mới đây, tại Hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với UBND TP. Cần Thơ, Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm giúp vùng ĐBSCL ứng phó hiệu quả với các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Phóng viên Báo TN&MT đã chọn lọc lược ghi, giới thiệu đến bạn đọc.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ:

Cần có công trình trữ nước cấp khu vực

a-ong-nghiem.jpg

TP. Cần Thơ nói riêng và các địa phương vùng ĐBSCL nói chung chịu nhiều ảnh hưởng từ BĐKH, nước biển dâng. Mặc dù là Thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng diện tích nông nghiệp của TP. Cần Thơ vẫn còn khá lớn với khoảng 110.000ha, trong đó, đất trồng lúa 75.000ha. Thời gian qua, các hình thái thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng kéo dài đã tác động đến nhiều loại cây trồng, năng suất cây trồng giảm, sầu riêng - cây thế mạnh của vùng cũng rơi vào tình trạng rụng lá.

Tại TP. Cần Thơ đã xuất hiện nhiều kênh, rạch kiệt nước, nông dân phải luân phiên bơm nước phục vụ sản xuất; vận chuyển vật tư theo đường thủy gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời diễn biến sạt lở bờ sông cũng khá nghiêm trọng. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 10 vụ sạt lở làm sụp 10 căn nhà và 1 nhà kho, thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Điều đáng lo hơn, những năm trước Cần Thơ chỉ xuất hiện triều cường vào tháng 9, 10 - mùa nước nổi, nay triều cường kéo dài đến tháng trước và sau Tết Nguyên đán.

Để thích nghi với những biến động này, TP. Cần Thơ đã tập trung cập nhật và tăng cường dự báo, để người dân chủ động ứng phó. Hiện trên địa bàn có gần 3.000km kênh, rạch, trong khi đó, nguồn lực để đầu tư sử dụng hệ thống này để trữ nước là có hạn. Chính vì vậy, về trữ nước, TP. Cần Thơ phải phát huy hệ thống cống gắn với các vùng sản xuất; về cấp độ chiến lược quốc gia, cần có công trình trữ nước cấp khu vực; cần có chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ nông dân xử lý, tái sử dụng 25 triệu tấn rơm hàng năm, thay vì đốt trên đồng; cần có nguồn lực để hỗ trợ di dời người dân sống ven các kênh rạch luôn có nguy cơ bị sạt lở đến nơi ở khác an toàn hơn.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. HCM):

Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch, quy hoạch vùng

untitled-1.jpg

ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn, như tận dụng phụ phế phẩm từ tôm, cá tra, cây ăn quả, phát triển chuỗi sản xuất từ cây lúa, cây dừa. Trong nông - lâm - thực phẩm, ĐBSCL có thể cung cấp nguồn nông sản sạch cho các đô thị như TP.HCM. Mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng phụ phẩm ngành gắn với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị như Chitosan, Omega-3; phát triển kinh tế số blockchain, truy suất nguồn gốc, chuỗi cung ứng; phục hồi rừng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học như rừng tràm và rừng ngập mặn, các nguồn gen, văn hóa bản địa. Đặc biệt, việc trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon rừng, nông nghiệp cũng là tiềm năng lớn của vùng.

Kinh tế tuần hoàn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu của thế giới. ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững. Do đó, cần thiết lồng ghép kinh tế tuần hoàn có tính liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực cao vào kế hoạch, quy hoạch vùng và địa phương. ĐBSCL tiếp tục phát triển các công nghệ chế biến, tạo các sản phẩm cấp cao hơn, như thực phẩm, mỹ phẩm; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp các sản phẩm mới gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn; nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân để đủ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn; xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn với các địa phương lân cận, đặc biệt là TP.HCM.

PGS.TS. Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học và Thủy lợi miền Nam:

Phát triển ĐBSCL theo hướng thích nghi có kiểm soát

a-pgs-ts-hoang.jpg

ĐBSCL đã và đang là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên đặc thù cho phát triển nông nghiệp và có lợi thế cạnh tranh cao so với các vùng khác trên thế giới. Song, ĐBSCL đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, bao gồm việc phát triển thượng lưu Mê Công làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; BĐKH, nước biển dâng và tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng.

ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô nước vẫn về ĐBSCL từ 60 - 70 tỷ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3. Vấn đề ở đây là làm sao giữ nước để sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp là cần trữ nước trong hệ thống kênh, rạch các cấp của hệ thống thủy lợi và trong mương vườn, ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình; trữ nước trên ruộng; đồng thời hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất.

Đồng thời, vùng ĐBSCL cũng cần xây dựng các công trình để kiểm soát nguồn nước, xâm nhập mặn, trong đó, tập trung xây dựng các công trình kiểm soát cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông, đây là các công trình lớn, bao ngoài với nhiệm vụ điều tiết mặn, ngọt, cải thiện môi trường ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre; nghiên cứu, thực hiện xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông còn lại như Cổ Chiên, Cung Hầu; đồng thời, triển khai nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt.

Xem xét nâng cao và mở rộng mặt đê cho phù hợp với gia tăng đỉnh triều; nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân vùng ĐBSCL, trong đó, ở vùng ngọt và vùng ngọt có ảnh hưởng mặn thì sử dụng nguồn nước từ sông chính, các kênh trong hệ thống thủy lợi như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông cho những khu vực gần sông chính các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Với các vùng mặn ngọt luân phiên và vùng lợ mặn, cần sử dụng kết hợp các nguồn như dẫn nước từ vùng ngọt về, sử dụng nước ngầm hạn chế, xây dựng hồ trữ nước ngọt, xây dựng các hồ chứa nước phân tán.

Ông Bùi Trọng Lực - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang:

Thử nghiệm bổ cập nước ngầm ở các nhà máy

a-ong-luc.jpg

Để ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng 15 giếng ngầm, nhưng quy định chỉ được khai thác các giếng này khi nước mặn xâm nhập hay có sự cố về môi trường. Hiện nay, nguồn nước ngầm chỉ chiếm 3 đến 4% nguồn cấp nước của đơn vị, còn lại chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt trên các sông, kênh rạch. Hiện, các trạm cấp nước của Công ty đã liên kết với nhau để điều tiết lưu lượng, trường hợp vùng Long Mỹ, Vị Thanh không thể lấy nước để xử lý do mặn xâm nhập thì sẽ đưa nước từ các địa phương khác trong tỉnh về cấp cho người dân. Bên cạnh đó, để góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, tỉnh Hậu Giang cũng đã quy hoạch 100ha đất tại huyện Vị Thủy để xây dựng hồ chứa nước, hiện tại công trình này đã hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 50ha.

Về giải pháp lâu dài, Công ty đã và đang thử nghiệm bổ cập nước ngầm ở các nhà máy. Vào mùa mưa, sản xuất dư thì dùng nước đã đạt tiêu chuẩn để bổ cập nước ngầm với lưu lượng 2.000m3/ngày. Còn vào mùa khô, khai thác nước lên, tương ứng 2.000m3/ngày. Hiện tại, tỉnh Hậu Giang có 2 dự án đang thử nghiệm việc này với sự hỗ trợ về chuyên môn, kinh phí của các tổ chức nước ngoài.

PGS.TS. Phan Thanh Bình - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM:

Cần có kế sách lâu dài cho cả vùng ĐBSCL

a-ong-binh.jpg

Có ba tác động làm cho vùng ĐBSCL khó khăn, đó là BĐKH, con người tại chỗ và do tác động của thượng nguồn sông Mê Công. Trong đó, cần nhìn nhận rằng yếu tố con người tại chỗ là rất quan trọng; cần xem lại con người đã đối xử với môi trường ĐBSCL như thế nào để tạo ra những biến động của môi trường. Những tác động của con người bị tăng lên bởi BĐKH và tác động của thượng nguồn. Hiện nay, vấn đề lún sụt và xâm nhập mặn phải chăng có vấn đề từ việc khai thác cát, khai thác nước ngầm. Phải chăng cần nhìn nhận lại nhiều thư. Giải pháp đưa ra rất đầy đủ, nhưng cộng đồng phải thay đổi cách sống, cách sản xuất, sinh kế của người dân, phải tính rất sâu sắc.

Theo tôi, trong các nguyên nhân tác động đến vùng ĐBSCL cũng cần chú trọng nhiều hơn đến tác động của con người tại chỗ. Việc lún sụt có tác động đến xâm nhập mặn; nước biển dâng vài mm/năm, nhưng lún sụt là vài cm/năm, gấp 10 lần nước biển dâng. Lún sụt là do mình, bởi đây là vùng đất mới, nếu không giữ được nước và trầm tích thì ĐBSCL sẽ lún và thực tế đang lún nhanh hơn nước biển dâng. Về quan điểm, giải pháp cấp thiết cho vùng ĐBSCL cũng phải gắn với lâu dài, coi là kế sách trăm năm. Hiện nay, vùng ĐBSCL vẫn là vùng đất mới, đất bồi, nền móng yếu, thì kế sách phải tính bằng chục năm và lâu hơn nữa. Về chính sách, đã có nhiều chính sách nhưng phải toàn diện và khoa học hơn; giải pháp phải bản chất, căn cơ, lâu dài, hàng chục năm và xa hơn nữa, coi là kế sách trăm năm cho ĐBSCL để hướng đến phát triển bền vững.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Giảng viên Cao cấp Khoa môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ):

Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp hơn

a-pgsts-tuan.jpg

Khô hạn và xâm nhập mặn là hiện tượng bình thường hằng năm vùng ven biển ĐBSCL, nhưng hơn 2 thập niên qua, hiện tượng này có xu thế gia tăng, có năm trở nên cực đoan và gây nhiều khó khăn cho sản xuất, sinh kế cộng đồng và sinh thái vùng ven biển. Hiện nay, vùng ĐBSCL tạm phân chia thành 3 vùng sinh thái nước, gồm: Vùng sinh thái nước ngọt phía trên, vùng này ngập sâu trong mùa mưa lũ, phần lớn đủ nước ngọt quanh năm cho canh tác lúa, nuôi cá và trái cây; vùng chuyển tiếp ở giữa, vùng này ngập nông trong mùa mưa lũ, có một phần nước lợ vào mùa khô, tác động ngọt - mặn theo thủy triều, canh tác lúa, nuôi tôm và trái cây; vùng ven biển cuối nguồn nhiễm mặn quanh năm, thiếu nước ngọt gay gắt mùa khô, rừng ngập mặn ven biển, canh tác thủy sản nước mặn.

Thời gian qua, nước mùa mưa lũ về ĐBSCL đã giảm rõ, tình trạng giảm nguồn nước, không còn lũ lớn cả về mùa mưa, thiếu nước trong cả mùa mua lũ và mùa khô cộng thêm yếu tố nước biển dâng và sụt lún ĐBSCL khiến xu hướng gia tăng xâm nhập mặn xâm nhập sâu hơn trong mùa khô, đặc biệt những năm có sự quay trở lại của hiện tượng El-Nino. Trong đó, các tác động lớn nhất do hạn và mặn xâm nhập tại vùng ĐBSCL là thiếu hụt mưa, bốc hơi mạnh, nhiệt độ cao, bức xạ lớn, thiếu nước tưới, canh tác kém, giảm năng suất, đất bạc màu, sông hồ cạn, nước ngầm thấp, nhiễm mặn lớn, hệ sinh thái nước bị tổn thương, thiếu nước uống, ngưng sản xuất kéo dài, kinh tế giảm sút. Hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng đến sinh kế, hoạt động và sinh thái vùng ven biển ĐBSCL

Thiếu hụt nguồn nước sạch, không đủ nước tưới, đất canh tác bỏ hoang, lượng nước sông Cửu Long hiện nay chỉ đủ cung cấp nước tưới an toàn cho 700.000 - 800.000ha đất trồng lúa. Ngoài ra, xuất hiện sạt lở, sụt lún xảy ra ở các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang. Ngoài ra, nhiều địa phương xây dựng cống ngăn mặn, đê bao canh tác vô tình khiến tình trạng mặn trở nên sâu hơn do nước tù và nước ô nhiễm.

Để đối phó với vấn đề hạn, mặn ở vùng ĐBSCL, trước mắt, chính quyền địa phương và người dân thường xuyên cập nhật theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, quan trắc, điều chỉnh thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm; đẩy mạnh phát triển mô hình thuận thiên một cách thông minh như mô hình luân canh lúa - tôm. Vào mùa mưa, có đủ nước ngọt thì người nông dân trồng lúa; vào mùa khô, nước bị nhiễm mặn thì lấy vào nuôi tôm, rơm rạ phân hủy từ cây lúa là thức ăn của tôm và chất thải hữu cơ của tôm là phân bón cho cây lúa.

Theo tôi, về chiến lược lâu dài, các địa phương vùng ĐBSCL nên giảm diện tích lúa chuyển sang thủy sản, rau màu và cây ăn trái, tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn; phục hồi khả năng hấp thụ, lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng; xây dựng công trình hồ chứa, nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt; đầu tư các vật dụng chứa nước mưa, hạn chế khai thác nước ngầm.

Lê Hùng (lược ghi)