Khoáng sản

Thanh Hóa: Yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu VLXD

Thu Thủy 20/05/2024 - 16:33

UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 6730/UBND-CN về việc giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường trong năm 2024, 2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã tạo ra những chuyển biến tích cực, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường.

anh-2(1).jpg
Thanh Hóa yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường trong năm 2024, 2025 và những năm tiếp theo

Tuy nhiên, theo tổng hợp, báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hóa thì nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo là rất lớn, trong khi nguồn cung rất hạn chế, đặc biệt là nguồn cát xây dựng và đất san lấp. Để tiếp tục chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Há yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực tập trung thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong đó, tập trung và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra, rà soát, phát hiện các mỏ khoáng sản mới (đất, đá, cát), nếu đủ điều kiện thì tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung khi thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, đảm bảo an ninh nguồn cung vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung ưu tiên đấu giá, cấp phép các mỏ đất san lấp; rút ngắn thời gian tham mưu việc cấp phép khai thác đất, đá dư thừa tại nơi có công trình, dự án và các phương án cải tạo đất; nghiên cứu phương án đưa thêm điều kiện phải có dây chuyền nghiền cát xây dựng đối với các đơn vị khi tham gia đấu giá các mỏ đá làm vật liệu xây dựng (nếu đảm bảo theo các quy định của pháp luật).

UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, phát hiện các mỏ khoáng sản mới làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát), gửi về Sở Xây dựng để kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt khi điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị có liên quan nâng cao chất lượng thẩm định các phương án cải tạo đất, có tận thu đất đảm bảo quy định của pháp luật.

Khẩn trương, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc (về vật liệu xây dựng) thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác khảo sát, điều hành giá; đề nghị các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn niêm yết, công khai giá bán, cam kết bán đúng giá niêm yết và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi bán không đúng giá niêm yết được quy định.

Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, phối hợp với các đơn vị khác có nhu cầu đào đất, phá đá thừa đổ thải để xem xét, cung cấp cho dự án đơn vịmình khi có nhu cầu (nếu đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật theo quy định). Nghiên cứu các quy định của pháp luật để lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu thi công trong việc cung cấp vật liệu để thi công xây dựng công trình đúng tiến độ; có chế tài xử lý cụ thể khi nhà thầu vi phạm hợp đồng do chậm tiến độ.

Yêu cầu bên mời thầu nâng cao trách nhiệm trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu, đánh giá cụ thể khả năng cung cấp vật liệu để thi công xây dựng, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Thu Thủy