Trong nước

Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7, kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt

Khương Trung - Thanh Tùng 20/05/2024 - 11:23

(TN&MT) - Sáng 20/5, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc. Kỳ họp chia làm hai đợt và sẽ bắt đầu kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt cho vị trí Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

qh-1716161691753257284998-1-0-501-800-crop-17161617021691808721444.jpg
Sáng 20-5, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc.

Sáng 20-5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV khai mạc. Theo chương trình, kỳ họp được tiến hành theo hai đợt. Đợt 1 từ ngày 20/5 đến 8/6. Đợt 2 từ ngày 17-6 đến sáng 28/6.

Dự kiến tổng thời gian làm việc là 26,5 ngày.

Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định 42 nội dung về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.

Trong đó, sẽ xem xét, thông qua 10 dự luật như: Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, Luật Thủ đô sửa đổi, Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi…

Xem xét, thông qua 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết liên quan cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, Nghệ An…

Cùng với đó, xem xét, cho ý kiến 11 dự luật và cho ý kiến các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn với 4 nhóm lĩnh vực, dự kiến trong 2,5 ngày vào cuối thời gian họp đợt 1.

Về nội dung ngày làm việc đầu tiên, trước khi vào phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau đó, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Cụ thể, tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội nghe Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Tiếp đó, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.

Sau đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với đại biểu Trương Thị Mai (đoàn Hòa Bình).

Từ 9h, Quốc hội sẽ họp phiên khai mạc với phát biểu khai mạc của Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Sau phát biểu khai mạc, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội...

Dự kiến thời gian bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Liên quan công tác nhân sự, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Về dự kiến thiết kế chương trình với công tác nhân sự bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, ông Cường cho biết, cuối giờ sáng 20/5, Quốc hội sẽ bắt đầu tiến hành và sáng 22/5 sẽ hoàn thành công tác nhân sự.

Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó sẽ bầu Chủ tịch nước theo quy định.

Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về việc bầu, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Trước đó, Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an - để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn - ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch thường trực Quốc hội - để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Khương Trung - Thanh Tùng