Biến đổi khí hậu

Bến Tre: Hạn mặn làm thiệt hại hàng trăm ha cây trồng

Bạch Thanh 17/05/2024 - 17:07

(TN&MT) - Theo đánh giá sơ bộ của ngành chức năng Bến Tre, đến thời điểm hiện nay, sau 5 tháng diễn ra hạn mặn, tình hình thiệt hại của cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng do hạn mặn trên địa bàn tỉnh đã xảy ra, làm thiệt hại hàng trăm ha nhưng không nghiêm trọng và diện rộng như mùa khô 2019 - 2020.

dsc_0567.jpg
Nhờ chủ động các giải pháp phòng chống, nên thiệt hại bởi hạn mặn trên địa bàn Bến Tre không nghiêm trọng

Theo đó, mặc dù địa phương đã khuyến cáo không xuống giống lúa trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024, nhưng thực tế trong tháng 11, tháng 12/2023 và tháng 1/2024, nông dân tại các huyện Ba Tri và Giồng Trôm đã xuống giống 7.730ha. Ước tính tổng diện tích lúa bị thiệt hại trong mùa khô 2023 - 2024 là 159ha. Ngoài ra, diện tích rau màu trên địa bàn xã Thừa Đức thuộc huyện Bình Đại cũng đã ước thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.

Tại xã Tiên Long, huyện Châu Thành có diện tích sầu riêng bị cháy lá, cây có trái sau thu hoạch bị rụng lá khoảng 130ha; cây chôm chôm bị cháy lá diện tích 110ha; đồng thời, diện tích vườn dừa tại huyện Châu Thành cũng đã bị ảnh hưởng do không đủ lượng nước ngọt phục vụ tưới tiêu, trái nhỏ, rụng trái tại xã An Hóa khoảng 250ha, xã Phước Thạnh 200ha, xã Giao Long khoảng 240ha.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ghi nhận thiệt hại đối với tôm càng xanh nuôi của 42 hộ dân tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú với diện tích 59ha; sản lượng thiệt hại ước tính khoảng 11 tấn. Đến thời điểm hiện nay, hạn mặn có ảnh hưởng đến đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng gây thiệt hại không đáng kể.

Ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thủy lợi và phòng chống thiên tai lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; kịp thời thông tin đến người dân và tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp. Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên thông tin về dự báo và diễn biến tình hình xâm nhập mặn đến các cơ quan, đơn vị có liên quan qua nhiều hình thức phong phú và đa dạng cũng như được đăng tải trên trang Facebook “Thông tin phòng chống thiên tai tỉnh Bến Tre” để người dân có thể tiếp cận.

_dsc0447.jpg
Bến Tre tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh

"Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành và các địa phương cũng đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp" - ông Đoàn Văn Đảnh cho hay.

Sở Xây dựng Bến Tre đã có báo cáo thường xuyên về kết quả theo dõi, giám sát độ mặn nguồn nước sau xử lý của các đơn vị cung cấp nước đô thị và công nghiệp; độ mặn sau xử lý tại các nhà máy nước đảm bảo chất lượng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương - độ mặn dưới 0,5‰. Riêng Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương vận hành các công trình thủy lợi, tăng cường công tác kiểm tra tình hình ô nhiễm nguồn nước, nhằm tiêu mặn, lấy ngọt, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ sản xuất.

Trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ và phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, giám sát và đánh giá chất lượng nước và cấp nước an toàn; thiết lập cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về cơ sở dữ liệu cấp nước an toàn; quản lý tốt các doanh nghiệp, đơn vị cấp nước sinh hoạt... trên địa bàn tỉnh.

Bạch Thanh