Hoàn thiện xây dựng bộ bản đồ phóng xạ tự nhiên cho các tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc
(TN&MT) - Sáng 17/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Trần Quý Kiên, đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định báo cáo kết quả hoàn thành Đề án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho các tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc”.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Cục Địa chất Việt Nam, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch – Tài chính; các thành viên Hội đồng là các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý, Liên đoàn Vật lý Địa chất, đơn vị chủ trì thực hiện Đề án cho biết, năm 2018, Liên đoàn Vật lý Địa chất được giao thực hiện Đề án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 giai đoạn II (2018-2022) cho các tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc” bao gồm 15 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai châu, Điện Biên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Dự án được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2023.
Theo ông Trần Anh Tuấn, sau hơn 5 năm thực hiện, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra và hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án. Theo đó, Liên đoàn đã hoàn thành khối lượng các hạng mục công việc của công tác đo đạc bằng các phương pháp địa vật lý môi trường để xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho 15 tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Cùng với đó, Liên đoàn đã hoàn thành công tác quan trắc môi trường phóng xạ cho 10 trạm quan trắc ở 10 tỉnh khác nhau thuộc phạm vi nghiên cứu với khối lượng 6 lượt quan trắc ngoài hiện trường từ năm 2019 đến năm 2022 và lấy, gia công, phân tích 72 mẫu cho mỗi hạng mục công tác phân tích mẫu; hoàn thành công tác thu thập, tổng hợp, đánh giá,xử lý, phân tích tổng hợp tài liệu thu thập về môi trường phóng xạ hiện có thuộc diện tích nghiên cứu phục vụ việc lập bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên.
Đồng thời hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu theo đúng yêu cầu mà dự án đã đề ra, bao gồm: xây dựng phần mềm quản lý và tra cứu thông tin về môi trường phóng xạ tự nhiên, đưa các tài liệu vào cơ sở dữ liệu, trang bị máy chủ, chuyển giao và hướng dẫn các tỉnh tra cứu thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao kết quả của Đề án. Theo đó, Đề án đã được Liên đoàn Địa chất vật lý triển khai tốt, hoàn thành đầy đủ các nội dung và khối lượng công việc, đáp ứng được mục tiêu đề ra. Các sản phẩm, kết quả của dự án có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đã phát biểu, góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm của Đề án. Hội đồng cũng nhất trí thông qua kết quả Đề án sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên Hội đồng trước khi trình phê duyệt.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao những ý kiến góp ý chi tiết, mang tính chất xây dựng cho báo cáo kết quả hoàn thành Đề án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho các tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc” của các thành viên Hội đồng tại cuộc họp.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị đơn vị thực hiện nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết Đề án trước khi trình lãnh đạo Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Địa chất Việt Nam chủ trì, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức bàn giao kết quả Đề án, bao gồm hồ sơ, dữ liệu, các bản đồ được thành lập cho địa phương quản lý nhằm phục vụ công tác hoạch định đường lối chiến lược đúng đắn trong bảo vệ môi trường, duy trì sự ổn định những vùng có mức ô nhiễm thấp, có biện pháp hạn chế và giảm thiểu mức ô nhiễm ở những vùng có nguy cơ cao tại địa phương.