Môi trường

Quảng Nam: Hiệu quả kép từ chính sách chi trả môi trường rừng

Lan Anh 17/05/2024 - 06:51

Hằng năm, tỉnh Quảng Nam thu về được từ 150 tỷ - 200 tỷ đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Nguồn thu đáng kể này đã hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ đồng bào trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, người dân tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng, những cánh rừng đầu nguồn phát triển ngày càng xanh tốt.

Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR tại Quảng Nam, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:

ho-quang-buu.jpg
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

PV: Thưa ông, Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng được chi trả DVMTR lớn. Thời gian qua, tình hình chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được thực hiện như thế nào?

Ông Hồ Quang Bửu: Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng lớn thứ hai của cả nước với diện tích rừng tự nhiên là 1.057.474,05 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 681.156 ha, bao gồm rừng tự nhiên 462.321 ha, rừng trồng 218.836 ha. Tỷ lệ che phủ rừng khá cao đạt 58,88 %. Có thể nói, nhờ bảo vệ rừng tốt nên số tiền thu từ dịch vụ này tăng qua các năm.

Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích chi trả DVMTR thuộc 16 lưu vực trên địa bàn tỉnh hơn 311.297ha. Trong đó, có 11 chủ rừng đại diện cho tổ chức nhận khoán bảo vệ; 13 chủ rừng là UBND các xã và 18 cộng đồng dân cư thôn. Tổng nguồn thu kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng năm 2023 ước đạt 200 tỷ đồng.

Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMTR), hằng năm huy động được từ 150 tỷ đến 200 tỷ. Nguồn thu này dùng để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, giảm áp lực gánh nặng ngân sách đối với Nhà nước; cùng với đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi trực tiếp từ rừng hoặc có ảnh hưởng trực tiếp đến rừng. Từ đó, phát huy hiệu quả nhiệm vụ quản lý cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp lâu dài, bền vững của tỉnh.

moitruongrung.jpg
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở Ban Quản lý RPH Tây Giang và người dân cùng quản lý, bảo vệ rừng

PV: Ông đánh giá chính sách chi trả DVMTR đã tác động đến công tác bảo vệ và phát triển rừng và đời sống người dân như thế nào?

Ông Hồ Quang Bửu: Chính sách chi trả DVMTR được triển khai hiệu quả đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Thành công đầu tiên chính là từ việc thực hiện Chính sách đã triển khai được công tác rà soát, xác định được diện tích rừng có cung ứng DVMTR, góp phần làm cho rừng thực sự có chủ, công tác bảo vệ rừng được tiến hành thuận lợi, thường xuyên, chặt chẽ. Công tác rà soát, theo dõi diễn biến rừng được các bên liên quan như Chi cục Kiểm lâm, Quỹ và chủ rừng thực hiện chặt chẽ hơn.

Thực hiện tốt Chính sách chi trả DVMTR cũng là điều kiện để tỉnh làm tốt công tác quy hoạch bảo vệ rừng tự nhiên toàn tỉnh. Hiện nay, Quảng Nam có Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 về quy định nội dung và mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gia đoạn 2023 - 2025, mức hỗ trợ đến 600.000 đồng/ha/năm. Do vậy, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của tỉnh đều có nguồn kinh phí để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng.

Đến nay, toàn tỉnh có 5 nhóm hộ nhận khoán với 61 người, 51 cộng đồng được giao khoán với 2.550 người và lực lượng lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng là 1049 người thường xuyên tuần tra; kiểm tra rừng, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng; qua kết quả nghiệm thu diện tích rừng chi trả DVMTR hằng năm cho thấy rừng được bảo vệ tốt.

moitruongrung1.jpg
Được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, người dân Tây Giang tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng.

Không chỉ tác động tích cực tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ rừng, với các hình thức khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ, cộng đồng, lượng lượng bảo vệ rừng chuyên trách mà người tham gia chính là người dân địa phương miền núi. Qua đó giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, giảm nhanh tỷ lệ nghèo khó.

Từ đó, người dân có trách nhiệm hơn đối với khu vực rừng được giao khoán, bảo vệ. Các thôn làng còn giao cho nhau trông coi, cử người trực để khi có sự cố cháy, kể cả nhỏ là báo động, tất cả người dân tham gia chữa cháy. Nhờ đó những cánh rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng xanh tốt, tình trạng cháy rừng hay chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản….giảm đáng kể..

PV: Để tiếp tục quản lý tốt Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng quy định nguồn tiền DVMTR, trong năm 2024, Quỹ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Để phát huy hiệu quả của chính sách, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Quỹ thường xuyên phối hợp các ban ngành, cơ quan liên quan đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR chuyển tiền DVMTR về Quỹ đúng quy định; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp chậm nộp tiền DVMTR để đảm bảo việc giải ngân kịp thời.

Đồng thời, thực hiện tốt quy định về tạm ứng, thanh toán tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh để chi trả đầy đủ, kịp thời nguồn tiền DVMTR theo Quyết định số 09/2024/QĐ-UBND ngày 9/4/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam về Quyết định ban hành quy định số lần tạm ứng, tỷ lệ tạm ứng và thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

moitruongrung2.jpg
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý RPH Tây Giang tuần tra, bảo vệ rừng

Trong việc thực hiện các chính sách chi trả DVMTR công tác kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện thành công chính sách chi trả DVMTR. Do vậy, Qũy sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR nhằm phát hiện những thiếu sót để kịp thời chấn chỉnh, tránh gây thất thoát kinh phí trong thực hiện Chính sách.

Để xây dựng hệ thống công cụ giám sát chính sách chi trả DVMTR, Qũy đang thí điểm sử dụng phần mềm mới để vận hành giám sát DVMTR thống nhất trong năm 2024 bằng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin. Phần mềm giám sát sẽ giúp Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng từ cấp trung ương đến địa phương cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu thông tin về biến động diện tích, trạng thái rừng, nhật ký tuần tra rừng, chi trả tiền…, giúp nâng cao tính hiệu quả trong quá trình thực hiện chính sách.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh