Môi trường

Dự báo KTTV phục vụ vận hành hồ chứa thông minh:Sẽ rút ngắn thời gian ra bản tin cho từng hồ thủy điện

Hoài Thu 16/05/2024 - 20:10

(TN&MT) - Ngày 16/5, tại Hà Nội, Trung tâm Động lực học Thuỷ khí môi trường (CEFD) - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết công tác dự báo Khí tượng Thuỷ văn phục vụ vận hành hồ chứa thông minh năm 2023 - 2024” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ban Giám hiệu trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị trực thuộc trường; đại diện các cơ quan quản lý thuộc Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) - Bộ TN&MT; Cục quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT; Đài KTTV khu vực và Đài KTTV các tỉnh cùng các công ty, doanh nghiệp, khách hàng, nhà máy thuỷ điện và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực Dự báo, cảnh báo KTTV.

anh-chup-man-hinh-2024-05-16-luc-19.30.38.png
PGS.TS Trần Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Động lực học Thuỷ khí môi trường – Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Động lực học Thuỷ khí môi trường – Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều các loại hình thiên tai, trong đó chủ yếu là các thiên tai KTTV.

Trong đó, các thông tin về dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế xã hội nói chung. Khi biết biết trước được các sự kiện và diễn biến của các hiện tượng KTTV trong tương lai, sẽ giúp người dân dễ dàng ứng phó với thiên tai hay xây dựng hệ thống sản xuất kinh doanh phù hợp.

Trong quá trình triển khai các hoạt động, CEFD đã phát triển và từng bước hoàn thiện “Hệ thống Dự báo và cảnh báo KTTV” phục vụ vận hành hồ chứa thông minh, phục vụ nhu cầu sử dụng các thông tin về dự báo KTTV. Đây là sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, với các công cụ có mã nguồn mở, có tính chủ động cao, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, theo cách tiếp cận theo lưu vực sông, hệ thống được phân thành nhiều phân hệ cho từng lưu vực trên khắp cả nước.

Từ đó kết xuất ra các bản tin dự báo tại mọi vị trí trên lưu vực, bao gồm dòng chảy đến hồ cho các thủy điện, vì vậy sẽ rút ngắn thời gian ra bản tin cho từng hồ thủy điện trên lưu vực.

anh-chup-man-hinh-2024-05-16-luc-19.31.44.png
ThS. Đặng Đình Đức - Trung tâm Động lực học Thuỷ khí môi trường – Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận

Giới thiệu về Hệ thống dự báo khí tượng Thuỷ văn hỗ trợ vận hành hồ chứa thông minh năm 2023, ThS. Đặng Đình Đức - Trung tâm Động lực học Thuỷ khí môi trường – Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hệ thống bao gồm các hệ thống dự báo: Khí tượng, phục vụ công tác dự báo thời tiết (hạn 7 ngày) và dự báo hạn mùa (hạn tới 6 tháng); Thuỷ văn, phục vụ dự báo dòng chảy đến hồ, dòng chảy thượng lưu và khu giữa; Công cụ hỗ trợ ra quyết định, giúp cung cấp thông tin hỗ trợ và kiểm soát việc thực hiện quy trình dự báo mỗi ca, tự động cung cấp số liệu mưa trực tiếp cho mô hình/ công cụ thuỷ văn real – time và hỗ trợ hiển thị phân bố mưa theo thời gian hỗ trợ dự báo viên phân tích, đánh giá tình thế mưa, lũ.

Hệ thống này đã được vận hành tại các lưu vực: Sông Mê Kông, sông Hồng, Kỳ Cùng – Bắc Giang Sông Hương, Sông Se San, Sông Sre Pok, Sông Ba,… và chính thức kích hoạt vận hành liên tục từ ngày 15/3/2023. Tính từ thời gian thực hiện vận hành cho đến nay, Ths. Đặng Đình Đức đánh giá, hệ thống dự báo, cảnh báo đã được xây dựng thành công cho 8 lưu vực lớn ở Việt Nam, trong đó 4 lưu vực đang được dự báo nghiệp vụ; hệ thống đáp ứng yêu cầu của NĐ 114/2018/NĐ-CP, nội dung bản tin đáp ứng thông tư số 08/2022/TT-BTNMT, QCVN18:2019/BTNMT, TT25 /2022/BTNMT.

Đồng thời, kết quả đánh giá dự báo nghiệp vụ đã cho thấy các bản tin đã mang lại chất lượng với độ tin cậy cao, kịp thời, đảm bảo, phục vụ trực tiếp cho vận hành các hồ chứa đa mục tiêu trong cả nước: hồ chứa Đắk Mi trên lưu vực Vu Gia Thu Bồn, các hồ Thái An, Thuận Hoà, Sông Miện 5,…

Qua những kết quả đã ghi nhận được, ông đề xuất một số hướng phát triển để đưa hệ thống này phục vụ công tác dự báo vận hành hồ chứa, trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo phục vụ vận hành hồ chứa với quy mô chi tiết cho từng lưu vực, từng hồ chứa cho toàn bộ Việt Nam. Cập nhật, tích hợp thêm các công nghệ tiên tiến của quốc tế (kỹ thuật đồng hoá, AI,…) để tăng cường độ chính xác cho các bản tin dự báo.

Bên cạnh đó, đưa các mô hình thuỷ văn thông số phân bố vào công tác dự báo nghiệp vụ; Tự động hoá tối đa công tác dự báo, xử lý số liệu, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác dự báo nghiệp vụ. Ngoài ra, cần kết hợp với các đối tác chuyên về vận hành hồ chứa nhằm cung cấp bản tin phù hợp để tăng cường hiệu quả vận hành các hồ chứa.

anh-chup-man-hinh-2024-05-16-luc-19.32.10.png
TS Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Tổng Cục KTTV (Bộ TN&MT) đưa ra những nhận định tại Hội thảo

Nhận định về diễn biến KTTV giai đoạn từ nay đến hết năm 2024, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, Tổng Cục Khí tượng Thuỷ văn cho rằng, từ diễn biến của nắng nóng gay gắt và tổng lượng mưa được đánh giá là thiếu hụt đầu năm 2024, sẽ dẫn đến việc, tháng 7 – tháng 9/2024, dự báo hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65 -75% và có khả năng tiếp tục duy trì trong những tháng cuối năm 2024.

Từ đó, ông dự báo xoáy thuận nhiệt đới sẽ có khoảng 11 – 13 cơn trên Biển Đông và 5 – 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão ( từ tháng 9 – 11/2024).

Theo đó, mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm (tháng 5); mùa mâ tại khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện tương đương vào khoảng cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9. Mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng bắt đầu từ nửa cuối tháng 5; từ tháng 6 – 8/2024, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.

Theo đó, hiện tượng nắng nóng tại Bắc Bộ sẽ tiếp tục xuất hiện tập trung vào thời kỳ từ nay đến tháng 7/2024 và tháng 8/2024 ở Trung Bộ. Nam Bộ, Tây Nguyên nắng nóng sẽ kéo dài đến khoảng giữa tháng 5/2024 Tình trạng nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này cũng tạo nên khô hạn ở khu vực Trung Bộ, khả năng xuất hiện khô hạn sẽ tiếp tục từ nửa cuối tháng 5 – 7/2024. Từ tháng 6 - 9/2024, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,5 – 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ…

anh-chup-man-hinh-2024-05-16-luc-19.34.18.png
Toàn cảnh Hội thảo chiều 16/5.

Trong Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành đã cùng thảo luận, trao đổi ý kiến và nhận được những đóng góp, nhận xét tích cực trong việc dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai,… nhằm giảm thiểu thiệt hại và hướng tới phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Hoài Thu