Xã hội

Xóa nhà dột, nhà tạm – điểm sáng công tác giảm nghèo bền vững

Thúy Nhi 16/05/2024 - 16:32

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đối với công tác giảm nghèo. Nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế đã được ban hành và thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể tích cực triển khai, huy động nhiều nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để giúp đỡ người nghèo, trong đó, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chương trình quan trọng.

Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.490.000 căn nhà cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước. Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành một phong trào rộng khắp, “điểm sáng” của công tác giảm nghèo bền vững. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, việc làm đầy ý nghĩa nhân văn này còn là động lực để phát huy hơn nữa truyền thống tương thân tương ái, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước, tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà dột nát. Trong giai đoạn 2021-2023, địa phương này đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.291 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 78,3 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, Quảng Ninh huy động và tổ chức xây mới, sửa chữa 527 nhà ở tạm, nhà dột nát (trong đó 313 nhà xây mới và 214 nhà sửa chữa), tổng số tiền, nguyên vật liệu, hiện vật và ngày công trị giá gần 38 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, từ các nguồn lực, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã triển khai hoàn thành 3 đợt hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở với gần 5.000 căn nhà, tổng kinh phí thực hiện trên 263 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực lớn của Nhà nước và Nhân dân để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như tỉnh Điện Biên đã xóa 5.000 căn, Nghệ An đã xóa trên 5.600 căn; các bộ ngành Trung ương, doanh nghiệp cùng tích cực tiên phong trong xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 170.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, một bộ phận người dân còn thiếu hạ tầng thiết yếu, các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, điện, phủ sóng truyền thông, y tế, giáo dục...

Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận hộ dân, vì nhiều lý do, vẫn còn nghèo, nhiều gia đình chưa có nhà ở hoặc phải ở trong những căn nhà đơn sơ, tạm bợ, không có khả năng tự cải thiện nhà ở. Thế nên, việc hỗ trợ nhà ở các hộ nghèo, hộ cận nghèo rất quan trọng, bởi có an cư thì mới lạc nghiệp, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no.

1(3).jpg
Tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu hoàn thành việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 6.110 hộ nghèo vào năm 2023.

Tại Nghị quyết số 42-NQ/TW (ngày 24/1/2023), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.

Cụ thể hóa Nghị quyết 42, tại Phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ngày 10/8/2023, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025.

Mới đây, ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 với mục tiêu là vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025. Đây là sự kiện quan trọng có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc trong không khí cả nước đang thi đua sôi nổi hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Đây là sẽ cuộc tổng khởi công mạnh mẽ, không chỉ thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, mà đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên từ chính các hộ nghèo, với tinh thần Điện Biên Phủ, đoàn kết để chiến thắng đói nghèo. Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ cùng hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở.

Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai hiệu quả Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp trong cả nước phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, nhất là với người nghèo, tập trung thực hiện tốt mục tiêu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Thủ tướng yêu cầu phát huy các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân; phát huy truyền thống, văn hóa, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc về tinh thần tương thân tương ái "là lành đùm lá rách", "lá rách đùm lá rách hơn" để có đủ nguồn lực thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Đồng thời thực hiện 3 bảo đảm là: (i) Bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để thực hiện chương trình; (ii) Bảo đảm không hình thức, màu mè, công trình phải có chất lượng và đúng đối tượng thụ hưởng; (iii) Bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công khai minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ đa dạng hóa nguồn lực, có tính toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Dù ngân sách còn khó khăn, Chính phủ khẳng định vẫn dành một nguồn lực đáng kể cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trung ương sẽ dành nguồn vốn ngân sách theo các Chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người dân, nhất là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, Thủ tướng kêu gọi “mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Thúy Nhi