Xã hội

Điện Biên: MTTQ luôn là cầu nối cho công tác giảm nghèo

Trần Hương 16/05/2024 - 13:49

(TN&MT) - Xác định công tác chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội tại địa phương. PV Báo TN&MT đã có buổi trao đổi với ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết, kết quả trong công tác giảm nghèo mà Điện Biên đã đạt được thời gian qua? Nhất là kết quả xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo như thế nào?

Ông Lò Văn Mừng: Điện Biên là tỉnh còn nhiều khó khăn, hàng năm đều nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, tập trung các nguồn lực an sinh xã hội hỗ trợ các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2021 tỷ lệ giảm nghèo bình quân của tỉnh luôn duy trì giảm hơn 4,4% mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là gần 35%, năm 2022 giảm còn hơn 30%, năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng hơn 26%.

z5441959067792_a3da03af9ffa76b7850cb2c4bb55ba1e.jpg
Ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Điện Biên.

Song song với đó là chương trình, mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ngày 28/10/2022, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1978/QĐ - UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Điện Biên thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có 2 chương trình đặc biệt có ý nghĩa. Thứ nhất là chương trình “Mái ấm nghĩa tình – an sinh xã hội” đã vận động và thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 3.111 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhà đại đoàn kết bằng nguồn vốn xã hội hóa. Chương trình thứ 2 là “Bừng sáng Điện Biên” với nội dung xóa bản trắng về điện lưới quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế cả tỉnh có 7.447 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng có nhu cầu hỗ trợ làm mới và sửa chữa, trong đó: Số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ làm mới là 5.479 hộ.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên. Trong đó, tập trung vận động các nguồn lực của xã hội để trong thời gian 1 năm (từ 7/5/2023 đến 7/5/2024) làm mới 7.000 đến 8.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Điện Biên và địa bàn Tây Bắc, (trong đó, hỗ trợ tỉnh Điện Biên làm 5.000 căn nhà, số còn lại hỗ trợ các địa phương khác tại địa bàn Tây Bắc). Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/1 căn nhà với tổng kinh phí vận động hỗ trợ dự kiến khoảng 350 đến 400 tỷ đồng để đảm bảo các hộ nghèo trong toàn tỉnh Điện Biên có nhà ở an toàn, ổn định, nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước, giai đoạn 2021 - 2025.

a1(1).jpg
Lãnh đạo huyện Điện Biên Đông và lãnh đạo tỉnh Điện Biên trao tiền hỗ trợ để người nghèo làm nhà ở tại huyện Điện Biên Đông

Với sự ủng hộ của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, sự bắt tay vào cuộc mạnh mẽ của địa phương, của các tổ chức, nhà hảo tâm; chỉ trong vòng 9 tháng, tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh của toàn xã hội, đã hoàn thành 5.000 căn nhà đại đoàn kết (vượt 3 tháng so với tiến độ đề ra), với số vốn cần huy động là 250 tỷ đồng. Đề án hoàn thành đã giúp 5.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh ổn định cuộc sống. Đây thực sự là chương trình lớn có ý nghĩa xã hội rất nhân văn, thiết thực trong việc chăm lo cho người nghèo.

PV: Ngoài việc kêu gọi, hỗ trợ làm nhà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên đã triển khai các hoạt động khác, chăm lo cho người nghèo như thế nào? Thưa ông?

Ông Lò Văn Mừng: Xác định việc chăm lo cho người nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chương trình, mục tiêu cụ thể, thiết thực nhằm giúp các hộ nghèo, như: Chính sách về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nhà ở, đất ở; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế; tín dụng ưu đãi... Qua các chính sách hỗ trợ, nhiều hộ gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là thay đổi suy nghĩ, chủ động trong phát triển kinh tế.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở không ngừng đổi mới phương thức hoạt động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó chú trọng đến công tác giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, cán bộ mặt trận các cấp còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào như: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào xây dựng “Gia đình ấm no, hạnh phúc”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”,… gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

a2.jpg
Nhờ có các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước người dân huyện Tủa Chùa phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt, mỗi năm trừ chi phí để ra 200 triệu đồng.

Đến nay, những chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo đã phát huy hiệu quả. Năm 2023 đã huy động hơn 1.800 tỷ đồng (vốn năm 2022 chuyển sang hơn 478 tỷ đồng) để thực hiện đầu tư, hỗ trợ người nghèo. Trong đó, riêng hỗ trợ sản xuất, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 41 hộ dân, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 1.500 hộ dân; hỗ trợ 39 dự án liên kết phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề gần 2.100 người.

Trong công tác hỗ trợ lao động, có khoảng 13,8% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, thủy sản, đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất; đã thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên cho gần 35.000 đối tượng.

PV: Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào để cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt trong công tác giảm nghèo bền vững?

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, thời gian tới Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục chú trọng tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững và khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của chính những người dân. Đồng thời, tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình sản xuất kinh tế mới phù hợp với điều kiện của người dân. Khuyến khích người dân phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị, thương hiệu phục vụ nhu cầu thị trường.

z5441924537066_26b7feb0921dd87582f87d786b5079e3.jpg
Mặt trận các cấp tỉnh Điện Biên phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuyên truyền công tác bảo vệ rừng

Giám sát và phản biện việc các địa phương trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, để nguồn vốn của Nhà nước, các chương trình chính sách hỗ trợ cho người nghèo phát huy hiệu quả tối đa. Bên cạnh đó, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo.

Đồng thời, Ủy ban MTTQ các cấp hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các nội dung giảm nghèo bền vững với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng trong Nhân dân. Phát huy vai trò của người có uy tín ở cộng đồng khu dân cư để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công cuộc giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Động viên Nhân dân tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động của các tổ chức đoàn thể; chủ động trong sản xuất, sử dụng các nguồn hỗ trợ có mục đích, hiệu quả, ổn định đời sống để vươn lên thoát nghèo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hương