Tài nguyên

Bộ TN&MT đánh giá trữ lượng khoáng sản tại 3 địa phương

Mai Đan 16/05/2024 - 13:47

(TN&MT) - Sáng 16/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với các mỏ khoáng sản tại Kon Tum, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

img_2714.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò đá quarzit làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát tại xã Pô Kô, huyện Đắk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ông Vũ Thế Thủ - Trung tâm triển khai công nghệ khoáng chất, Đại học Mỏ - Địa chất, đơn vị tư vấn cho biết: Công tác thăm dò đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất khu vực thăm dò; diện phân bố của thân quarzit trên diện tích 34,5 ha (khu I); nghiên cứu đặc điểm chất lượng và tính chất công nghệ đá quarzit và tính trữ lượng quarzit tại khu thăm dò; nghiên cứu đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình và điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ.

Bên cạnh đó, tài liệu thu thập được đảm bảo đủ tin cậy để thành lập báo cáo, đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát nhân tạo.

Theo ông Vũ Thế Thủ, mỏ quarzit nằm trên mức cao xâm thực địa phương, xa khu dân cư nên có điều kiện quá trình khai thác sau này ít ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân địa phương. Đồng thời, kết quả thăm dò cho thấy mỏ có triển vọng đầu tư khai thác và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Đơn vị tư vấn kiến nghị, trong quá trình khai thác cần nghiên cứu lĩnh vực sử dụng có giá trị cao hơn để tăng giá trị mỏ.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua kết quả thăm dò, với trữ lượng đá quarzit làm nguyên liệu sản xuất gạch lát nền cấp 121+122 là hơn 2,3 triệu tấn và tài nguyên cấp 333 hơn 1,5 triệu tấn. Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Khoáng sản Lộc Thiên Phú) và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các ủy viên Hội đồng, hoàn thiện lại báo cáo và sớm trình Hội đồng phê duyệt.

img_2735.jpg
Ông Nguyễn Tiến Sơn - Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo tổng hợp tài liệu, tính trữ lượng than trong phạm vi dự án khai thác hầm lò xuống sâu dưới mức -175m khu Trung tâm mỏ than Vàng Danh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Hữu Cương - Công ty cổ phần Địa chất mỏ - TKV, đơn vị lập báo cáo cho biết, kết quả cập nhật tài liệu lò khai thác tại mức ±0m và mức -175m và các công trình thăm dò đã cơ bản đảm bảo độ tin cậy về tài liệu, đáp ứng được mục tiêu, làm cơ sở cho việc nghiên cứu phát triển các Dự án đầu tư khai thác theo quy hoạch phát triển ngành than.

Báo cáo đã tổng hợp, chỉnh lý cấu trúc địa chất mỏ, xác định sự phân bố các vỉa than, tổng hợp và đánh giá về đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình, đánh giá chất lượng và tính trữ lượng, tài nguyên than khu Trung tâm mỏ than Vàng Danh đáp ứng yêu cầu thiết kế khai thác mỏ.

Đối với báo cáo này, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã nhất trí với trữ lượng than cấp 121+122 từ mức -175m đến mức -350m khu Trung tâm mỏ than Vàng Danh là hơn 64,2 triệu tấn.

Tại cuộc họp, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam (Cục Địa chất Việt Nam), đơn vị tư vấn đã báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng puzolan trong phạm vi Giấy phép khai thác khoáng sản số 2171 QĐ/QLTN ngày 3/8/1996 của Bộ Công Nghiệp tại mỏ Long Phước, Thị xã Bà Rịa (nay là Thành phố Bà Rịa), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Tiến Sơn - Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam cho biết, đơn vị thi công và các đơn vị phối hợp là các đơn vị chuyên môn cao; các phòng thí nghiệm chuyên ngành nên các số liệu thu thập và tổng hợp đảm bảo độ tin cậy cao, có thể sử dụng để đánh giá đúng chất lượng và trữ lượng puzolan của mỏ Long Phước.

Kết quả thăm dò cho thấy mỏ puzolan Long Phước có cấu trúc khá đơn giản, chất lượng puzolan của mỏ đạt các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cho sản xuất phụ gia xi măng. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu chất lượng của tập đá bazan lỗ hổng đạt yêu cầu làm puzolan. Kết quả nghiên cứu chất lượng của tập đá bazan đặc sít đạt yêu cầu làm đá vật liệu xây dựng thông thường theo TCVN7570:2006.

“Mỏ puzolan Long Phước nằm lộ thiên trên địa hình dương, có các đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình và điều kiện kỹ thuật khai thác rất thuận lợi. Mỏ có thể thiết kế khai thác theo phương pháp bóc tầng lộ thiên nên giá thành nguyên liệu sẽ có tính cạnh tranh cao”, ông Nguyễn Tiến Sơn nhận định.

img_2744.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng đã phê duyệt tổng trữ lượng khoáng sản chính - puzolan trong mỏ cấp 121+122 là hơn 11,3 triệu tấn. Với trữ lượng này bảo đảm cho xây dựng mỏ có công suất hoạt động liên tục trong nhiều năm. Hơn nữa, các khoáng sản đi kèm đá làm vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu san lấp cũng có giá trị rất lớn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hạ giá thành sản phẩm đối với việc khai thác puzolan sau này.

Mai Đan