Sơn Động (Bắc Giang): Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo
Nhằm giúp các đối tượng khó khăn giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Sơn Động đã vận động nhiều nguồn quỹ khác nhau hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Đặc biệt, việc tặng bò giống cho hộ nghèo đã góp phần quan trọng giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Để hỗ trợ bò giống cho bà con, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND huyện Sơn Động ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp với chính quyền, tổ chức thành viên để xác định đối tượng hỗ trợ. Theo đó, các hộ được hỗ trợ bò đều là những hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có khả năng chăm sóc bò để thoát nghèo.
Thông qua nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo của Trung ương và địa phương, người dân ở huyện miền núi Sơn động (Bắc Giang) được hỗ trợ cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây dược liệu, con đại gia súc trâu bò giống… để phát triển chăn nuôi. Từ đó, nhiều hộ nghèo có cơ hội cải thiện sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tăng cường năng lực kinh tế.
Gia đình ông Nông Văn Kiên thôn Sản, xã Hữu Sản vui mừng: Gia đình tôi khó khăn quá nên không đủ điều kiện mua trâu, bò về nuôi nên khi được nhà nước hỗ trợ một con bò sinh sản thì mừng lắm. Đây là tài sản lớn của gia đình, do đó, để bò phát triển tốt và sinh sản ra bê con, tôi đã trồng thêm cỏ chăn nuôi. Đến nay, trong chuồng đã có thêm 2 con bò béo tốt, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn trước rất nhiều.
Giống như ông Kiên những hộ nghèo đầu tiên được hỗ trợ mô hình bò sinh sản tại thôn Sản đều rất vui mừng. Có được bò giống, các hộ dân vừa có thể chủ động được sức kéo để phát triển sản xuất, vừa có thêm bê con để chăn nuôi phát triển kinh tế.
Tương tự hộ gia đình ông Triệu Văn Hội, thôn Làng Khang, xã Đại Sơn thuộc hộ cận nghèo phấn khởi nói, gia đình ông được cấp bò giống sinh sản để chăn nuôi, tăng thu nhập. Sau khi nhận bò giống, ông chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y để bò có thể phát triển, sinh sản tốt. Bên cạnh đó, gia đình ông mỗi năm thu nhập từ phân bò để bón cây trung bình mỗi con từ 8-10 triệu/ năm.
Được sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể và sự đồng thuận trong nhân dân đã thúc đẩy những phong trào xóa đói giảm nghèo, tạo động lực cho hộ nghèo vượt qua khó khăn vượt lên thoát nghèo. Một số hộ đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả tăng thêm thu nhập cho gia đình nhờ vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hàng năm. Nhìn chung các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào đời sống và góp phần tích cực giúp đỡ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Toàn huyện hiện có hàng trăm con trâu, bò cái nền, trâu bò đực giống được các tổ chức đoàn thể, các cấp, ngành, nhà tài trợ cấp phát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để vật nuôi bảo đảm có thể trạng tốt, trước khi cấp cho người dân, ngành chuyên môn đã tiến hành tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Với phương pháp đó, trâu bò được nuôi một thời gian ở địa phương đã làm quen với khí hậu, thời tiết, thức ăn, nước uống...
Trên cơ sở kết quả đạt được từ mô hình, thời gian tới để mô hình đạt hiệu quả đề ra, các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn huyện Sơn Động tiếp tục quan tâm sát sao việc tổ chức thực hiện dự án. Các ngành chức năng, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung hoạt động của dự án đến người dân để hiểu rõ và phối hợp tham gia tổ chức thực hiện tốt. Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ tham gia quản lý dự án và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm kịp thời.
Bà Vi Thị Tú, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sơn Động nhận định: “Việc hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo đã từng bước giảm khó khăn cho người dân, giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện giảm xuống còn 5 - 6 %. Đây là cách làm thực sự hiệu quả và bền vững, nâng cao ý thức lao động cho bà con, góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước”. Hiện, huyện Sơn Động đang có chủ trương thực hiện hỗ trợ theo hướng 3 cây, 2 con. Đồng thời, cũng đang huy động mọi nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ bò giống sinh sản cho các hộ nghèo có khả năng thoát nghèo. Bên cạnh đó, đề xuất cấp bò cho một số hộ cận nghèo có điều kiện chăn nuôi để bà con phát triển kinh tế,
Dự án này mang ý nghĩa rất lớn là tạo sinh kế, tạo động lực vươn lên thoát nghèo cho các hội viên, nông dân là đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững trên tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Tú nhấn mạnh.